Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ hai, 02/10/2023 14:10
TMO - “Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la” là chủ đề chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam phát động.
Chiến dịch trên nằm trong khuôn khổ dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thông qua tổ chức Re:wild. Chiến dịch nhấn mạnh bảo vệ rừng là điều kiện tiên quyết để bảo tồn loài động vật đặc hữu nguy cấp này cũng như bảo vệ những lợi ích sinh thái và sinh kế cộng đồng. Thông điệp được lồng ghép trong “cuốn nhật ký sao la”, kể lại những câu chuyện chân thực, sinh động chưa từng được biết đến tại núi rừng Trung Trường Sơn.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên và các đối tác cũng sẽ phổ biến thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dự kiến bao gồm các báo điện tử uy tín, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia cũng như các nền tảng mạng xã hội nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà báo, nghệ sỹ và những người có tầm ảnh hưởng.
WFF-Việt Nam khởi động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn.
Sao la, được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992, là loài hiếm đến mức chưa có nhà sinh học nào từng tận mắt nhìn thấy chúng ngoài tự nhiên. Chính sự quý hiếm này đã khiến sao la có biệt danh là “Kỳ lân” châu Á. Giống như các loài khác của dãy Trường Sơn, một dãy núi hiểm trở dọc biên giới Việt Nam và Lào, sao la là nạn nhân của nạn săn bắt bằng các loại bẫy dây bất hợp pháp. Mặc dù các loại bẫy này không nhắm vào sao la, nhưng chúng giết hại hầu như tất cả các loài thú sống trên mặt đất bao gồm sao la. WWF-Việt Nam đã hỗ trợ và thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn sao la từ khi loài này được phát hiện bao gồm hỗ trợ thiết lập các khu bảo tồn, thực hiện các nghiên cứu, giám sát và tuần tra tháo gỡ bẫy tại các khu bảo tồn sao la bởi các nhóm bảo vệ rừng được WWF thành lập từ năm 2011.
Bên cạnh công chúng cả nước, chiến dịch tập trung truyền thông đến thanh thiếu niên từ 12 đến 25 tuổi tại 6 tỉnh miền trung bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, nơi dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” đang nỗ lực tìm kiếm và bảo tồn những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn.
Bằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn loài sao la, chiến dịch góp phần tăng mức độ nhận diện sao la trên toàn khu vực Trung Trường Sơn, và kêu gọi cộng đồng cung cấp thông tin có giá trị nhằm hỗ trợ phát hiện và bảo tồn loài. Những nỗ lực này là một phần của một tầm nhìn rộng hơn đó là thiết lập trung tâm nhân giống bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm với mục đích tái thả và phục hồi quần thể các loài nguy cấp này về tự nhiên khi đủ an toàn.
Dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” gồm ba hoạt động chính: Xác định những khu vực có tiềm năng phát hiện sao la thông qua kinh nghiệm quan sát của người dân địa phương; Khảo sát thực địa để phát hiện những cá thể sao la cuối cùng còn lại trong các khu vực ưu tiên trên toàn khu vực Trung Trường Sơn; Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn sao la. Thông qua việc phát hiện và hỗ trợ sinh cảnh, dự án mong muốn sẽ giúp cho loài sao la tránh khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam trong tương lai.
Hình ảnh cá thể được cho là loài sao la trong rừng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được phát hiện qua bẫy ảnh năm 2019.
Để triển khai hiệu quả dự án, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Ban Quản lý Dự án VFBC tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) và các cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định về phê duyệt, tiếp nhận viện trợ tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; xây dựng kế hoạch cụ thể, trao đổi với đơn vị chức năng phối hợp thẩm định, quản lý theo quy định. Các bẫy ảnh dùng để giám sát đa dạng sinh học và phát hiện cá thể Sao La cần sử dụng đúng mục đích, chấp hành nghiêm quy định về pháp luật....
Trước đó, qua bẫy ảnh tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ngày 9.2.2019, giới nghiên cứu khoa học đã bất ngờ thu được hình ảnh của một cá thể nghi là Sao La - loài động vật cực kỳ quý hiếm, được xem là đại diện tiêu biểu nhất cho đa dạng sinh học ở Việt Nam tại khu vực tiếp giáp giữa vùng đệm và vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Với diện tích hơn 15,5 nghìn ha, có hệ động, thực vật phong phú, chứa đựng nguồn gen đa dạng của hơn 1.200 loài động, thực vật, đến nay, Khu Bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế vẫn giữ được diện tích lớn rừng xanh nhiệt đới. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài chim, thú quý hiếm. Tại đây, có nhiều loài thú lớn, có giá trị bảo tồn toàn cầu mới được phát hiện trên thế giới như mang lớn, mang Trường Sơn…, đặc biệt là nơi sinh sống của sao la – một trong những loài động vật bí ẩn nhất thế giới...
Minh Hương
Bình luận