Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ năm, 09/05/2024 15:05
TMO - Tại cấp học mầm non, việc lồng ghép những hoạt động bảo vệ môi trường trong những giờ học, hoạt động ngoại khóa góp phần quan trọng trong nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với trẻ.
Những đồ nhựa, bìa catton, túi nilon bỏ đi tưởng chừng sẽ chỉ có một con đường duy nhất là tiêu hủy, tuy nhiên bằng sự khéo léo, tỉ mỉ, đầy sáng tạo của các cô giáo mầm non đều được hô biến thành các vật dụng hữu ích, góp phần tiết kiệm chi phí mua đồ dùng dạy học; đồng thời, giáo dục các em học sinh ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa hay túi nilon.
Thông qua việc làm nhỏ này, các bé sẽ học thêm được về cách tái chế các đồ dùng, từ đó biết yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường xung quanh bé. Những mô hình, sản phẩm như bảng chữ cái từ nắp chai nhựa, chậu hoa từ lọ nhựa, trang phục thời trang từ túi nilon hay giấy báo… góp phần hình thành nên ý thức chung tay bảo vệ môi trường, vì một thế giới “xanh - sạch - đẹp” hạn chế rác thải.
Trang phục tái chế từ bao bì, bìa carton, giấy gói hoa…được các cô giáo mầm non sáng tạo thành bộ đồ thời trang. Ảnh: NP.
Những sản phẩm tự tay các cô giáo thiết kế từ các vật dụng tái chế giúp trẻ khám phá môi trường tự nhiên, khám phá xã hội, nhận biết tên gọi, đặc điểm đặc trưng tương ứng của các sự vật, hiện tượng, đối tượng mà trẻ khám phá qua tranh ảnh theo từng đề tài hoạt động. Đặc biệt, đồ dùng bằng những vật liệu tái chế sẽ giúp trẻ hiểu biết hơn về lợi ích cũng như tác hại của các vật liệu trong tự nhiên đối với đời sống của con người, từ đó giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Đối với trẻ nhỏ thì đồ dùng trực quan rất quan trọng, vì vậy việc sử dụng đồ tái chế được huy động từ phụ huynh học sinh để làm thành đồ dùng dạy học cho trẻ sẽ góp phần giúp trẻ hào hứng hơn trong giờ học và đạt hiệu quả cao.
Góc vui chơi của học sinh mầm non được làm từ vật dụng tái chế thùng, giấy, xốp. Ảnh: TT.
Đối với lứa tuổi trẻ mầm non thì vui chơi là hoạt động chủ đạo và đồ chơi là phương tiện giúp trẻ thực hiện hoạt động đó. Đây cũng là cách giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động hơn. Bên cạnh đó để trẻ dễ tiếp thu các kiến thức về bảo vệ môi trường, giáo viên cũng cần xây dựng bài giảng thông qua các hoạt động có chủ đích, hoạt động vui chơi, sinh hoạt dựa vào tình hình của lớp, khả năng thực tế của trẻ, bên cạnh đó lồng ghép những bài học giáo dục trẻ không vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng, cần mang rác tới thùng rác hoặc vứt rác vào nơi quy định, khi nhìn thấy rác ở sân trường trẻ biết nhặt cho vào thùng rác…
Những chậu trồng cây được tái chế từ chai, vỏ nhựa. Ảnh: QC.
Công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đối với nhà trường đặc biệt là cấp mầm non, môi trường xanh - sạch - đẹp sẽ góp phần quan trọng vào công tác dạy và học. Không những vậy, việc tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể còn giúp các em nhỏ có có kỹ năng quan sát, cảm nhận về môi trường.
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, giúp trẻ thêm yêu thiên nhiên, biết chăm sóc, bảo vệ môi trường sống. Đây là khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, từ đó đặt nền tảng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên cho các cấp học tiếp theo.
Nguyễn Hằng
Bình luận