Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ tư, 03/08/2022 14:08
TMO - Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm giảm nhẹ phát thải nhà kính ở các lĩnh vực, triển khai các mô hình sản xuất an toàn, sạch, thông minh, thân thiện với môi trường.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Hậu Giang đang dần hướng đến nền nông nghiệp cacbon thấp, thân thiện môi trường với các phương pháp sản xuất tiên tiến, giảm phát thải các khí hiệu ứng nhà kính. Nổi bật với các dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, gieo trồng đa dạng và thu hoạch an toàn thích ứng biến đổi khí hậu, chăn nuôi kết hợp đệm lót sinh học. Cùng với các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh và hữu cơ, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo duy trì 3% trở lên.
Hậu Giang là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, cây ăn trái, rau màu. Tuy nhiên trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, địa phương này chú trọng đến giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.
Sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hậu Giang chuyển đổi, hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Tại huyện Phụng Hiệp đã hình thành các vùng trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP; trồng lúa, khóm MD2 sử dụng phân, thuốc hữu cơ; sản xuất dưa lưới trong nhà kính; trồng rau trong nhà lưới theo hướng an toàn kết hợp với hệ thống tưới phun sương để tiết kiệm nước. Đồng thời, huyện khuyến khích người dân chuyển khoảng 165 heca đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác theo mô hình nông nghiệp xanh.
Tại thành phố Vị Thanh hiện nay cũng đã hình thành những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn. Các ngành chức năng khuyến cáo sản xuất theo hướng 3 giảm, 3 tăng và 1 phải, 5 giảm, nhằm hạn chế những tác động tới môi trường nhất là phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
Về công nghiệp, Hậu Giang chủ trương đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, hệ thống năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần ổn định năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Hậu Giang chủ trương đẩy mạnh phát triển hệ thống năng lượng mới, năng lượng tái tạo
Tỉnh ưu tiên cấp phép đầu tư cho các dự án điện quy mô lớn, thân thiện với môi trường như: Nhà máy điện rác Hậu Giang (12 MW), Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang (29 MWp), Nhà máy điện gió Long Mỹ 1 (100 MW), Nhà máy điện trấu Hậu Giang (10 MW), đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án điện gió (công suất 200 MW), năng lượng mặt trời (300 MW), điện sinh khối (20 MW)...
Tỉnh còn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải trong tỉnh cũng chủ động đầu tư, chuyển đổi sang phương tiện có công nghệ ít phát thải như phương tiện vận tải đạt chuẩn khí thải Euro 4, xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên, sử dụng khí hóa lỏng, khí thải thiên nhiên sinh học thay thế xăng, dầu.
Vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra, việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam trên địa bàn tỉnh; cập nhật, triển khai các văn bản chỉ đạo về thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia (COP 26) Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu; tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn tỉnh, tổ chức thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu; kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các cơ sở phát thải khí nhà kính.
Địa phương này tập trung triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh
Tổ chức triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tiềm năng tại địa phương; các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc thực hiện các nhóm chỉ số giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và đánh giá tình hình thực hiện định kỳ hàng năm.
Lựa chọn, áp dụng các biện pháp công nghệ, quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô, ngành nghề sản xuất tại địa phương và phạm vi, lĩnh vực quản lý; trọng tâm về chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng để hấp thụ, lưu giữ các-bon; sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị xanh, bền vững, lựa chọn giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực (năng lượng; nông nghiệp; lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; quản lý chất thải; lĩnh vực các quá trình công nghiệp)...
Để góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển xanh bền vững, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” với mục tiêu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo theo đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; 100% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở khu vực nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý theo đúng quy định...
Hiện nay, trên tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh triển khai dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Quy mô dự án bao gồm các hợp phần: Giảm thiểu rủi ro ngập úng, cải thiện quản lý nước thải và vệ sinh môi trường, cải tạo nâng cấp đô thị và phát triển không gian công cộng, hợp phần hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho cơ quan, đơn vị liên quan của TP. Ngã Bảy nhằm khai thác, sử dụng dự án hiệu quả, bền vững; mua sắm trang thiết bị quan trắc, cảnh báo và dự báo rủi ro thiên tai, phần mềm quản lý đất đai.
Hải Ninh
Bình luận