Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ hai, 10/04/2023 15:04
TMO - Nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên nước hiệu quả, bền vững.
Trong những năm, cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, ở Việt Nam đã áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống giám sát việc vận hành các hồ chứa trong 11 quy trình.
Trên cơ sở thông tin số liệu vận hành hồ được cập nhật thường xuyên (qua hệ thống phần mềm), đã phát hiện nhiều trường hợp vận hành chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định của quy trình và đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các chủ hồ, địa phương (hàng năm đã gửi trên 100 văn bản đến các chủ hồ, các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác vận hành).
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát việc vận hành của các hồ chứa thủy điện và hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, nhằm hướng tới việc giám sát vận hành hồ chứa theo thời gian thực để chủ động trong việc cắt giảm lũ và điều tiết nước cho hạ du nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành hệ thống giám sát tài nước trực tuyền nhằm giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác, sử dụng nước ở Trung ương và địa phương. Yêu cầu các chủ công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải truyền số liệu quan trắc online theo quy định Thông tư 47/TT-BTNMT, hệ thống đã nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và tối ưu hóa được nguồn lực trong công tác quản lý.
Việc đưa vào vận hành hệ thống giám sát các hồ chứa góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Ngày 20/8/2021 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như phát triển kinh tế xã hội tác động lớn đến việc khai thác, sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước trong tương lại, cụ thể: Phát triển dữ liệu lớn và công nghệ máy tính sẽ thay đổi lớn trong công tác quản lý và dự báo đến khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước. Công nghệ này có thể dự báo nhanh, chính xác hơn trên hàng triệu thông tin, số liệu, cũng như làm nền tảng cho việc phát triển tích hợp cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường để phục vụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực.
Hệ thống hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực ngày càng phát triển, hoàn thiện nhằm hỗ trợ trong việc điều hòa, phân phối nguồn nước trên các hồ chứa để phòng chống lũ, đảm bảo nước cho hạ du một cách kịp thời, chính xác hơn; Hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, khí tượng thủy văn tự động ngày càng hiện đại góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin, số liệu kịp thời để hỗ trợ trong công tác quản lý vận hành các hồ chứa, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước.
Công nghệ sản xuất hiện đại tiết kiệm nước, cũng như nguyên liệu dần được hình thành thay thế các công nghệ lạc hậu không phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm nước. Mô hình tiết nước tiết kiệm sẽ được áp dụng rộng rãi; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước trong thời gian tới sẽ rất phát triển giúp cho việc đánh giá chính xác hơn, nhanh hơn và tiết kiệm được nguồn lực về chi phí, cũng như con người...
Với 108 lưu vực sông, trong đó, có 9 hệ thống sông lớn: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Việc áp dụng quản trị nước thông minh được đánh giá là sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội.
Tại Việt Nam, quản lý hệ thống cấp nước tại một số địa phương đã ứng dụng tích hợp các công nghệ bản đồ số GIS, công nghệ di động, công nghệ điện toán đám mây, tích hợp thành hệ thống toàn diện quản lý cho các doanh nghiệp cấp nước như: Thiết lập bản đồ số mạng cấp nước, quản lý tài sản, giám sát vận hành và bảo trì mạng cấp nước, quản lý và chăm sóc khách hàng, ghi chỉ số và kiểm tra đồng hồ nước, quản lý đồng hồ nước, quản lý chất lượng nước, hỗ trợ phòng, chống thất thoát nước…
Theo thống kê, tổng lượng nước trung bình nhiều năm trên phạm vi toàn quốc khoảng 935,9 tỷ m3/năm. Tổng lượng nước bình quân trên đầu người khoảng 9.589 m3/người/năm, trong đó lượng nước nội sinh khoảng 4.421 m3/người/năm, Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đồng thời, hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước trên nền tảng công nghệ số; quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo chu trình tuần hoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến các giải pháp về khoa học công nghệ trong thời gian tới cần được đẩy mạnh triển khai: Tăng cường nghiên cứu, hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm xây dựng các biện pháp, giải pháp phù hợp để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; ưu tiên đối với các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; dữ liệu thời tiết; dữ liệu viễn thám, GIS, thông tin ảnh vệ tinh sử dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường công tác điều tra cơ bản phục vụ quản lý bền vững các nguồn tài nguyên nước kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia nhất là ở các khu vực biên giới, hải đảo.
Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước theo thời gian thực; nghiên cứu, xây dựng chương trình trọng điểm cấp quốc gia về an ninh nguồn nước; nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ số cảnh báo mức độ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo thời gian thực.
Tăng cường hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, số liệu vận hành và thông tin về quy hoạch các công trình khai thác, sử dụng nước; thiết lập và tăng cường các cơ chế hợp tác, giải quyết mâu thuẫn, xung đột tài nguyên nước liên quốc gia đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý, hài hoà lợi ích của các quốc gia, phù hợp với các Điều ước, thông lệ quốc tế.
Thu Hà
Bình luận