Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 14:11
Thứ hai, 01/07/2024 14:07
TMO - Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời tiết nắng nóng, phụ tải và công suất cực đại tăng cao so với cùng kỳ, nhưng việc cung ứng điện đã được đảm bảo tốt.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh dẫn đến nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Theo thống kê từ Cục Điều tiết Điện lực, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 6 tháng ước đạt 151,69 tỷ kWh, cao hơn 776 tr.kWh so với kế hoạch cung cấp điện năm cập nhật tại Quyết định số 924/QĐ-BCT ngày 19/4/2024 của Bộ Công Thương. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 là 833,5 triệu kWh/ngày, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023.
Cục Điều tiết Điện lực đã huy động từ nguồn nhiệt điện than đạt 86,4 tỷ kWh (chiếm khoảng 56,96% tổng sản lượng 6 tháng qua), cao hơn 556 triệu kWh so với kế hoạch; nhiệt điện dầu huy động cao hơn 88 triệu kWh so với kế hoạch; nhiệt điện khí huy động khoảng 13,08 tỷ kWh. Đối với nguồn thủy điện, trong 5 tháng đầu năm do tình hình thủy văn nước về kém nên hạn chế huy động và giữ cao mực nước các hồ thủy điện nhằm đảm bảo cung ứng điện miền Bắc.
Tháng 6/2024, tình hình thủy văn thuận lợi, sản lượng thủy điện huy động cao hơn 2,454 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng qua tổng lượng điện từ thuỷ điện huy động đạt 28,62 tỷ kWh (chiếm khoảng 18,86% tổng sản lượng 6 tháng qua), cao hơn 658 triệu kWh so với kế hoạch. Tính đến thời điểm này, mực nước các hồ thủy điện cuối tháng 6/2024 tương ứng với sản lượng điện là xấp xỉ 6,6 tỷ kWh, cao hơn 1,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm (trong đó sản lượng các hồ thủy điện miền Bắc xấp xỉ 4,93 tỷ kWh cao hơn 1,04 tỷ kWh so với kế hoạch năm), đáp ứng mục tiêu giữ mực nước cao để đảm bảo cung ứng điện đến cuối mùa khô.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 công tác vận hành hệ thống, huy động nguồn điện được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trên cả nước.
Các nguồn năng lượng tái tạo được huy động đạt 20,67 tỷ kWh (chiếm khoảng 13,63% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm), trong đó nguồn năng lượng gió đạt 6,123 tỷ kWh, điện mặt trời đạt 13,88 tỷ kWh. Theo Quyết định số 924/QĐ-BCT, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh đã được điều chỉnh tăng lên 310,6 tỷ kWh. Trong đó mùa khô là 150,916 tỷ kWh và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh.
Đến thời điểm này, công tác vận hành hệ thống, huy động nguồn điện được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trên cả nước, nhất là mùa khô năm 2024. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng cuối năm, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất phụ tải, tuy nhiên mức độ dự phòng công suất nguồn điện còn thấp.
Trong tháng 7/2024 với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất. Do đó, sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát Diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện. Trong giai đoạn tháng 8 – 12, dự phòng công suất hệ thống điện miền Bắc vẫn còn thấp, các đơn vị phát điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng và độ sẵn sàng của thiết bị.
Đối với hệ thống điện miền Nam và miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, các mỏ khí dừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa và để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống điện miền Nam, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt như chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG cho các tổ máy tuabin khí và các tổ máy chạy dầu Cần Thơ, Thủ Đức... để đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như đáp ứng phụ tải cao điểm tối khi nguồn điện mặt trời không phát công suất.
Để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng còn lại của năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực đã đưa ra các nhóm giải pháp. Cụ thể, về điều hành hệ thống điện và thị trường điện, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lập phương thức, điều hành hệ thống điện và thị trường điện tối ưu; xây dựng các kịch bản cung ứng điện, thường xuyên đánh giá độ khả dụng của các nhà máy điện và theo dõi, cập nhật, các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thuỷ văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện trong mọi tình huống.
Chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến khí tượng, thủy văn, tình hình nhiên liệu, khả dụng tổ máy và tăng trưởng phụ tải để kịp thời cập nhật điều chỉnh phương thức vận hành phù hợp. Đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn, tin cậy; sẵn sàng, kịp thời thực hiện các biện pháp đảm bảo cung cấp điện; tăng cường theo dõi tình hình thủy văn, dấu hiệu nước về của từng hồ, tính toán cập nhật phương thức vận hành hàng ngày nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, đồng thời đảm bảo không suy giảm công suất khả dụng của các nhà máy thủy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực/Công ty điện lực sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện. Chỉ đạo các Tổng công ty phát điện, đơn vị phát điện tập trung theo dõi cung ứng than, chuẩn bị các phương án dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện và duy trì mức tồn kho theo quy định.
Tiếp tục phối hợp hiệu quả với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, TCT Đông Bắc và Tập đoàn Dầu khí quốc gia để đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống; chuẩn bị sẵn sàng vật tư thiết bị và phương án xử lý sự cố để sẵn sàng, chủ động xử lý nhanh sự cố nếu có xảy ra; thực hiện nghiêm công tác quản lý kỹ thuật, kiểm tra, rà soát các quy trình, quy định trong công tác vận hành và sửa chữa bảo dưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ công tác sửa chữa bảo dưỡng, khắc phục sự cố.
Các nhà máy thủy điện vận hành các hồ chứa an toàn trong mùa lũ, khai thác tối ưu nguồn nước phục vụ nhu cầu phát điện.
Chỉ đạo các nhà máy thủy điện vận hành các hồ chứa an toàn trong mùa lũ năm 2024, khai thác tối ưu nguồn nước và theo dõi, dự báo sát tình hình thủy văn để có phương án tích nước sớm trong giai đoạn cuối mùa lũ để đảm bảo mục tiêu tích nước đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2024, phục vụ nhu cầu phát điện, đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm 2025.
Về đầu tư xây dựng, quyết liệt triển khai, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm như các dự án nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (mục tiêu phát điện năm 2025), Ialy mở rộng (mục tiêu phát điện năm 2024), các dự án Đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối), các dự án lưới điện giải toả nguồn năng lượng tái tạo, thuỷ điện nhỏ, mua điện Lào (Trạm cắt Đăk Ooc và Đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống mục tiêu hoàn thành trong quý III năm 2024; đường dây 500 kV Moonson – Thạnh Mỹ mục tiêu hoàn thành Quý IV năm 2024) …, trong đó tập trung thực hiện đầu tư xây dựng và nỗ lực để hoàn thành Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giải pháp về điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện, Cục Điều tiết Điện lực yêu cầu các đơn vị ngành điện tăng cường tuyên truyền qua tiết kiệm điện các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội; Thực hiện các biện pháp tuyên truyền có hiệu quả đối với từng nhóm khách hàng sử dụng điện, như: Nhóm khách hàng sản xuất; các hộ gia đình; khách hàng là các đơn vị hành chính sự nghiệp; hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn quảng cáo, trang trí; khách hàng kinh doanh dịch vụ, tòa nhà cao tầng, siêu thị, các trung tâm thương mại; nhóm khách hàng học sinh, sinh viên...
Phối hợp chặt chẽ với các với UBND các tỉnh, thành phố; cơ quan, công sở, các địa phương để thực hiện nghiêm và hiệu quả các chương trình, giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các doanh nghiệp để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp bất lợi. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần khẩn trương đàm phán giá với các dự án chuyển tiếp; đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với các dự án đã đến kỳ hòa lưới theo quy định của pháp luật.
Lê Nguyên
Bình luận