Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ tư, 19/04/2023 04:04
TMO - Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đang được địa phương quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo ra những nông sản có chất lượng, tăng sức cạnh tranh.
Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả cao của các lĩnh vực trong nền kinh tế tỉnh. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 434 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (tăng 90 cơ sở so với cùng kỳ và bằng so với tháng trước), với quy mô diện tích 5.643 ha, diện tích đang sản xuất 5.627 ha (gồm: 2.647 ha cây ăn quả, 2.767 ha hồ tiêu, 28 ha rau các loại, 10 ha dưa lưới, 50 ha nhàu, 125 ha cacao,…), ước sản lượng cung cấp ra thị trường trong năm khoảng 50.858 tấn. Các công nghệ áp dụng gồm: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh,...
Trong chăn nuôi, hiện có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (tổng đàn 114.000 heo thịt, 39.287 heo nái, 2.535.000 gà thịt, 90.000 gà giống, 54.000 vịt giống, chiếm tỷ lệ 39,9% tổng đàn gia cầm và 40,9%/tổng đàn heo). Các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại.
Trong lĩnh vực thủy sản, có 21 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 419,26 ha (tăng 8,6 ha so với cùng kỳ). Công nghệ áp dụng sản xuất: nuôi trong ao đất hay hồ tròn có lót bạt trong nhà màng, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 03 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm,...
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến cuối năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 497 cơ sở tham gia đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ KH-CN (công nghệ cao). Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 4.837 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân đạt 110 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.
Ảnh minh họa.
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng sản xuất NNCNC, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; thu hút DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp thông minh 4.0, cơ giới hóa, tự động hóa, và các quy trình canh tác tiên tiến ICM, IPM, IHPM, VietGAP... trong sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ trên các cây trồng chủ lực của tỉnh. Thúc đẩy các mô hình sản xuất rau an toàn theo GAP, hữu cơ, hoa cao cấp trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính. Thúc đẩy ứng dụng hệ thống nhà lạnh, hệ thống điều chỉnh ẩm độ nhiệt độ tự động trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô tập trung.
Chăn nuôi gia cầm, lợn, bò quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ chuồng kín, công nghệ sinh học, công nghệ 4.0 gắn với xử lý môi trường để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp tập trung. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý trang trại chăn nuôi gà, lợn, thủy sản, bò... và các vùng sản xuất giống. Áp dụng quy trình chăn nuôi tốt (VietGAHP), hữu cơ trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, để tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhân nhanh và sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số đối tượng thủy sản chủ yếu như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá nước ngọt, cá biển có giá trị cao, nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Ứng dụng công nghệ 4.0, cơ giới hóa, công nghệ sinh học, các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để giám sát nâng cao hiệu quả trong phát triển nuôi trồng thủy sản và quản lý môi trường nuôi.
Qua đó, tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản).
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, công nghệ cao, tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tiếp cận, nhập khẩu làm chủ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp. Điển hình như với cây rau doanh thu đạt từ 2,5 đến 9 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha/năm; cây hoa thu nhập từ 0,5 đến 9,9 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha/năm...
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2022-2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt nhấn mạnh đến mục tiêu ngành Nông nghiệp sẽ phát triển và làm chủ được một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô hàng hóa. Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%, thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7-8%/năm.
Lê Minh
Bình luận