Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 22:11
Thứ sáu, 18/10/2024 07:10
TMO - Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực có quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động chế biến tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai: Ngành Nông nghiệp tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 33.123,7 tỷ đồng, gấp 1,09 lần so với năm 2020.
Phương thức sản xuất có sự chuyển biến tích cực từ khâu giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP) và tổ chức sản xuất quy mô lớn, hình thành các vùng chuyên canh tập trung và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh; trong đó có 59.633,14 ha cây trồng được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, hữu cơ, Rainforest Alliance,… cho các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, trái cây, lúa,… Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được chú trọng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: Bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau hoa, dược liệu.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lập hồ sơ xác lập quyền cho 18 sản phẩm địa phương: 13 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ (gồm 10 nhãn hiệu chứng nhận (Gạo Phú Thiện, Rau An Khê, Rau Đak Pơ, Gạo Ia Lâu - Chư Prông, Bò Krông Pa - Gia Lai, Chôm chôm Ia Grai - Gia Lai, Chanh dây Gia Lai, Mật ong hoa cà phê Gia Lai, Thuốc lá Krông Pa, Phở khô Gia Lai); 3 chỉ dẫn địa lý (Chư Sê cho sản phẩm hồ tiêu, Gia Lai cho sản phẩm cà phê, Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang)); 05 sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới địa phương này hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung theo định hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông, lâm sản và thủy sản. Lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm trung tâm của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác lớn mạnh, đủ năng lực, chủ động tham gia liên kết với các doanh nghiệp trong hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo định hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị hình thành vùng nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng.
Trong đó, đối với nhóm cây trồng chủ lưc, Gia Lai sẽ hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực có quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động chế biến tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tập trung đầu tư và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Đối với cây cà phê tập trung phát triển tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê. Ảnh minh họa.
Đối với cây cà phê: Đến năm 2025, duy trì ổn định khoảng 100.000 - 105.000 ha cà phê, sản lượng đạt 304.000 tấn; giai đoạn 2021 - 2025 đẩy mạnh trồng tái canh các vườn cà phê già cỗi trên 8.500 ha. Tập trung phát triển tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Kbang và thành phố Pleiku.
Áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước, từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch. Triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển cà phê đặc sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai, mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê Gia Lai. Đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 50% diện tích cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng. Phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.170 ha, sản lượng cà phê đặc sản khoảng 4.680 tấn.
Với cây cao su: Đến năm 2025, giảm diện tích cao su còn khoảng 80.000 ha, giảm trên 8.600 ha so với năm 2020, tăng năng suất cao su từ 15 tạ/ha năm 2020 lên 16,0 tạ/ha năm 2025 (gấp 1,1 lần), sản lượng đạt 96.000 tấn/năm. Đẩy mạnh tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng. Tiếp tục chuyển đổi diện tích cao su độ cao trên 600m sang phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả, dược liệu và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu...
Hồ tiêu: Đến năm 2025, giảm diện tích hồ tiêu xuống khoảng 8.000 ha, sản lượng đạt 24.480 tấn, tỷ lệ chế biến đạt trên 30%. Giai đoạn 2021 - 2025, không mở rộng thêm diện tích trồng mới hồ tiêu; đẩy mạnh chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có theo hướng hiệu quả, bền vững; phát triển rộng mô hình trồng tiêu ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...
Hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hội. Phát triển vùng sản xuất hồ tiêu tại các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Păh. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm hồ tiêu phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất hồ tiêu. Tăng diện tích hồ tiêu trồng xen, giảm diện tích hồ tiêu trồng thuần để giảm áp lực về sinh vật gây hại.
Với cây điều: Đến năm 2025, ổn định diện tích khoảng 39.000 ha, sản lượng khoảng 38.000 tấn; chuyển đổi một số diện tích điều kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và dược liệu...; vùng nguyên liệu điều trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Krông Pa, Chư Prông, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa; cung cấp nguyên liệu cho 03 nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu (Nhà máy chế biến hạt điều của Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Khu công nghiệp Trà Đa; Nhà máy Điều Long Sơn Ayun Pa; Nhà máy Điều Long Sơn Krông Pa). Đẩy mạnh tái canh diện tích điều kém hiệu quả, năng suất thấp bằng giống mới, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu.
Đối với Cây ăn quả: Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu phát triển diện tích cây ăn quả của tỉnh lên khoảng 40.000 ha. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây ăn quả do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hội tham gia chuỗi liên kết để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung gắn với phát triển các nhà máy chế biến.
Trước mắt, tập trung phát triển, hình thành các vùng sản xuất trái cây đặc sản gắn với du lịch nông nghiệp tại thành phố Pleiku và các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Păh, Đức Cơ, Kbang, Kông Chro. Phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc và từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Với cây sắn: Đến năm 2025, duy trì khoảng 75.000 ha sắn, sản lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Giai đoạn 2021- 2025, ổn định vùng sản xuất sắn làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và phục vụ chăn nuôi. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, chọn tạo giống kháng bệnh vi rút khảm lá sắn, giống có năng suất cao vào sản xuất; xây dựng quy trình canh tác bền vững; áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đáng chú ý với rau: Đến năm 2025, phát triển diện tích canh tác rau khoảng 15.000 ha, với diện tích gieo trồng khoảng 36.000 ha; sản lượng khoảng 560.000 tấn. Hình thành, phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tốt, hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với các nhà máy chế biến. Hình thành vùng sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ tại: Thành phố Pleiku; thị xã An Khê; thị xã Ayun Pa; các huyện: Đak Pơ, Kbang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Kông Chro.
Cây mía: Đến năm 2025, duy trì ổn định diện tích khoảng 38.000 ha mía, sản lượng đạt khoảng 2.660.000 tấn, nhằm cung cấp đủ nguyên liệu cho 02 Nhà máy đường An Khê và AyunPa. Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đưa các giống mới vào sản xuất, tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người nông dân. Phát triển sản xuất mía tại các huyện: Kbang, Đak Pơ, Ia Pa, Phú Thiện, Kông Chro, Krông Pa, Phú Thiện, thị xã An Khê.
Nông dân Kbang thu hoạch mía. Ảnh: ND.
Lúa gạo: Đến năm 2025, ổn định khoảng 70.000 ha diện tích gieo trồng, sản lượng đạt 387.750 tấn. Chuyển đổi 6.500 ha diện tích lúa kém hiệu quả không chủ động được nước tưới, thường xuyên bị hạn sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ (trồng rau các loại khoảng 4.200 ha, hoa khoảng 90 ha, cây ăn quả khoảng 200 ha, cây dược liệu và cây hàng năm khác khoảng 2.435 ha; chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa 75 ha).
Hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hội. Xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm gạo của tỉnh, nhất là các sản phẩm gạo đặc sản địa phương đã có chỉ dẫn địa lý “Gạo Ba Chăm”, nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện”, “Gạo Ia Lâu - Chư Prông”; Hình thành cơ sở sản xuất lúa giống chất lượng cao gắn với sơ chế, bảo quản lúa gạo trên địa bàn các huyện sản xuất lúa gạo trọng điểm của tỉnh. Phát triển vùng sản xuất lúa gạo tại các huyện, thị xã: Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Kbang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông.
Ngoài ra, địa phương này cơ cấu lại cây trồng chủ lực theo các vùng, trong đó đối với vùng phía Đông và Đông Bắc: Đẩy mạnh liên kết vùng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; tập trung phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn tạo vùng nguyên liệu cho chế biến; phát triển chuyên canh các loại cây trồng như: Ngô, rau đậu các loại, cây ăn quả, dược liệu và cỏ chăn nuôi...
Vùng phía Đông Nam: Đẩy mạnh phát triển lúa, gạo chất lượng cao; chuyển đổi phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn sang trồng cây chịu hạn và ứng dụng tưới tiên tiến và tiết kiệm nước để trồng rau màu các loại và ngô sinh khối; phát triển vùng nguyên liệu sắn, nâng cao chất lượng sản phẩm cây thuốc lá; phát triển trồng rừng thâm canh, trồng rừng vùng bán ngập; phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, nâng cao tỷ lệ bò lai, cải tiến chất lượng đàn bò; phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, lưu vực sông, suối với các đối tượng nuôi truyền thống như cá, tôm nước ngọt.
Vùng phía Tây: Tập trung phát triển vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su, chè, cây ăn quả, rau các loại, hoa và cây dược liệu; hình thành và phát triển các khu nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm theo hình thức trang trại, công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi lợn hữu cơ; kết hợp sản xuất lâm nghiệp, phát triển trồng rừng vùng bán ngập các lòng hồ thủy lợi, thủy điện với phát triển nuôi trồng thủy sản.
Thời gian tới, địa phương này phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng; đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường.
Tập trung xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông sản truyền thống đặc sắc của Gia Lai, các sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho thị trường và xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu nông sản.
Phối hợp chặt chẽ với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các khu công nghiệp để đưa nông sản Gia Lai đến với người tiêu dùng.Xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng nông sản gắn với xây dựng mã số vùng trồng, công nghệ truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QRcode trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương kiểm tra các cơ sở về quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh nông sản.../.
Minh Hoàng
Bình luận