Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 23/01/2024 14:01
TMO - Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra nhất là trong cao điểm mùa khô.
Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã vào mùa khô năm 2023 - 2024, mưa có xu hướng giảm dần, tình hình thời tiết ở một số địa phương bắt đầu nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tổ chức huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.
Toàn tỉnh có hơn 648.278,08 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên khoảng 478.749,56 ha, rừng trồng 155.522,8 ha và rừng trồng chưa thành rừng 14.005,7 ha. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng có thể xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện; ban hành Kế hoạch PCCCR mùa khô 2023 - 2024 và các năm tiếp theo của cấp huyện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện, UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện: tăng cường các biện pháp an toàn về PCCCR mùa khô 2023 - 2024, đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác PCCCR ở địa phương;
Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về PCCCR; quản lý chặt chẽ việc đốt dọn nương rẫy, không để lửa cháy lan vào rừng; thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR; lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, hộ gia đình được nhận rừng và các đơn vị khác có liên quan trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR truong suốt mùa khô 2023 - 2024, đảm bảo các điều kiện cần thiết để công tác PCCCR ở địa phương, cơ sở thực hiện đúng theo quy định và kế hoạch, phương án PCCCR đã xây dựng và ban hành.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang) phối hợp với các tổ nhận khoán đốt thực bì có điều khiển. Ảnh: P.V.
Các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng; chỉ đạo áp dụng các biện pháp phù hợp để trồng, phục hồi lại diện tích rừng bị cháy. Chỉ đạo Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, xã thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm (http://kiemlam.org.vn) và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, tổ chức huy động lực lượng dập tắt đám cháy khi mới phát sinh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm: Chủ động nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh để báo cáo, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời; chủ trì, phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; Công an tỉnh lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, các đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp an toàn PCCCR; cung cấp thông tin cấp dự báo cháy rừng cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để thông báo từ 2 - 3 lần/tuần trong suốt mùa khô năm 2023 - 2024; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; triển khai thực hiện các hạng mục, công trình PCCCR đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bố trí lực lượng trực PCCCR tại cơ quan và các trọng điểm cháy trong suốt mùa khô 2023 - 2024; thường xuyên theo dõi thông tin trên hệ thống cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm và các phần mềm cảnh báo cháy rừng: “Hotspot GLA” và “Gia Lai FFW” để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; theo dõi và nắm chắc diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý; tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn, nhất là các khu vực trọng điểm và diện tích rừng trồng của đơn vị có nguy cơ xảy ra cháy cao. Chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Phương án PCCCR đối với diện tích do đơn vị quản lý theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác PCCCR, trọng tâm là công tác tuyên truyền; kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân cháy rừng; xây dựng các công trình PCCCR đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả PCCCR trong mùa khô; bố trí lực lượng thường trực trong suốt mùa khô 2023 - 2024; đảm bảo phương tiện kỹ thuật, hậu cần thiết yếu sẵn sàng ứng cứu tất cả các tình huống cháy rừng xảy ra…
Thường xuyên theo dõi thông tin trên hệ thống phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW”; khi có thông báo điểm cháy, tiến hành kiểm tra, xác minh, phát hiện sớm, kịp thời chữa cháy và thông báo ngay cho cấp thẩm quyền để chỉ đạo, huy động lực lượng chữa cháy rừng; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về công tác PCCCR theo quy định. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, chữa cháy và báo cáo kịp thời.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động phương án giảm nhẹ thiệt hại do cháy rừng trong cao điểm mùa khô năm nay.
Huyện Mang Yang hiện có hơn 47.000ha rừng, trong đó, hơn 40.000ha rừng tự nhiên và trên 7.400ha rừng trồng. Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) cho biết: Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 13.815,1 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 3.134,57 ha rừng trồng. Diện tích này trồng phân tán, xen kẽ với nương rẫy của người dân nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Hàng năm, đơn vị triển khai ký cam kết an toàn lửa rừng với hơn 80 hộ gia đình sống gần rừng; đốt trước có điều khiển 900 ha rừng sau nuôi dưỡng; phát đốt giảm vật liệu cháy khoảng 150 km; làm 50 km đường ranh cản lửa; làm 75 bảng nội quy, 150 bảng tam giác… Nhờ đó, công tác PCCCR của đơn vị trong thời gian qua tương đối tốt, không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê cho biết, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR huyện; phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra phương án, dụng cụ PCCCR của các xã có rừng và đơn vị chủ rừng; chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn tiến hành ký cam kết an toàn lửa rừng và hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy, tránh cháy lan vào rừng. Đồng thời, các chủ rừng tích cực tổ chức tuyên truyền tới người dân về công tác PCCCR; tiến hành phát dọn thực bì, đốt trước có điều khiển và bố trí trực gác 24/24 giờ để hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng.
Huyện Chư Păh là một trong những địa phương có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Toàn huyện có 41.251,5 ha đất trong quy hoạch 3 loại rừng gồm 27.979,5 ha đất có rừng và 13.272 ha đất chưa có rừng. Phần lớn diện tích rừng tập trung tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ: Bắc Biển Hồ, Ia Ly, Đông Bắc Chư Păh và UBND các xã: Hà Tây, Ia Khươl, Chư Đang Ya. Ngay từ đầu mùa khô, các đơn vị chủ rừng đã tăng cường triển khai công tác PCCCR. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, tổng diện tích đơn vị đang quản lý là 12.559,5 ha, nằm trên địa bàn các xã: Ia Khươl, Ia Phí, Đak Tơ Ve và Hà Tây. Diện tích rừng đơn vị đang quản lý phần lớn tiếp giáp hoặc nằm xen kẽ với diện tích đất nông nghiệp của người dân nên công tác PCCCR gặp rất nhiều khó khăn.
Để hạn chế cháy rừng, đơn vị đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR; tổ chức 23 đợt tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR cho hơn 1.000 lượt người tham gia; ký cam kết an toàn lửa với 200 hộ dân sống gần rừng, có nương rẫy gần rừng; triển khai làm 20,7 km đường ranh cản lửa và đốt trước có điều khiển hơn 46,4 km; đóng biển cảnh báo lửa rừng tại các khu vực trọng điểm cháy, gần nương rẫy người dân, cửa rừng và nhà rông văn hóa của các làng gần rừng…
Lê Nam
Bình luận