Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Thứ ba, 08/03/2022 15:03
TMO - Với hơn 100 nghìn ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, tiềm năng công nghiệp chế biến gỗ của Bắc Kạn là rất lớn. Công nghiệp chế biến gỗ được Bắc Kạn xác định là trọng tâm trong phát triển công nghiệp đang có những bước tiến mới.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã linh hoạt tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Các đơn vị đã đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư thêm máy móc, dây chuyền hiện đại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Chế biến gỗ tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Qua đó, đã dần phục hồi và hoạt động ổn định, nhiều đơn vị còn tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường xuất khẩu, với doanh thu tăng trung bình từ 20-40%, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập khá.
Trong những năm gần đây các dự án thu hút đầu tư về khu công nghiệp cơ bản là dự án chế biến gỗ. Các dự án này đúng với trọng tâm thu hút đầu tư của tỉnh và đã hoạt động hiệu quả, tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại, có khoảng 1.000 công nhân trong khu công nghiệp, bình quân mỗi một công nhân thu nhập 1 tháng bình quân chung 7-8 triệu đồng, có trường hợp hơn 10 triệu đồng.
Sản xuất ván ép tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
Nhờ có những dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, trong những năm gần đây, giá trị ngành chế biến gỗ của Bắc Kạn đã tăng trưởng đáng kể, nhất là đối với sản phẩm gỗ dán. Riêng trong năm 2021 vừa qua, ngành gỗ dán tăng trên 200% về doanh thu và giá trị xuất khẩu.
Bắc Kạn cũng có những bước đi trong khuyến khích thu hút đầu tư phát triển điện sinh khối nhằm tận dụng hết toàn bộ thân, cành, lá sau khai thác gỗ rừng trồng. Theo ước tính, lượng phụ phẩm bao gồm vỏ cây, cành, lá, mùn cưa, dăm gỗ… từ trồng, khai thác, chế biến của Bắc Kạn chiếm tỷ trọng khoảng 30-35% tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng. Đây là nguồn sinh khối rất lớn có thể tận dụng làm nguyên liệu phục vụ cho phát triển điện sinh khối tại địa phương. Địa phương này đã chấp thuận cho 1 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát đầu tư nhà máy điện sinh khối tại cụm công nghiệp Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông.
Tỉnh Bắc Kạn có vùng nguyên liệu gỗ lên tới 100.000 ha rừng trồng
Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh xác định công nghiệp chế biến gỗ là có tiềm năng và có thể phát triển ở quy mô lớn. Việc xuất khẩu gỗ của tỉnh trong 2 năm qua đã đạt con số triệu USD là minh chứng cho tiềm năng đó.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, nhất là chế biến gỗ trên cơ sở lợi thế đã hình thành vùng nguyên liệu. Tỉnh sẽ tập trung sử dụng vốn ngân sách để đầu tư các cụm công nghiệp ở các địa phương, thu hút các nhà đầu tư nhà máy chế biến lâm sản; phấn đấu chế biến tối đa gỗ nguyên liệu, giảm bán gỗ nguyên liệu dạng thô như gỗ tròn, gỗ bóc ra ngoài địa bàn.
Với lợi thế nằm ở trung tâm ở khu vực Đông Bắc, giao thông đang hoàn thiện, nhiều cụm công nghiệp được đầu tư và có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, Bắc Kạn đang dần trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư công nghiệp chế biến gỗ. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025 đưa diện tích rừng trồng toàn tỉnh đạt 100 nghìn ha, diện tích khai thác trung bình từ 5.500-6.500ha/năm với trữ lượng khoảng 700-900 nghìn m3/năm, sản xuất ra 300 nghìn m3 sản phẩm.
Tuấn Nam
Bình luận