Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ tư, 09/10/2024 08:10
TMO - Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cũng chỉ ra tồn tại, đó là theo quy định các dự án bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, nhưng không biết rõ nội dung nào của quy hoạch. Trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vẫn có yêu cầu khoáng sản nhóm 4 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh. Vì vậy, cần làm rõ hơn.
Một trong những nội dung còn có ý kiến các nhau là quy định về phân nhóm khoáng sản (Điều 7) của dự thảo Luật Địa chất – Khoáng sản. Cho ý kiến về nội dung này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân định rõ các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí; Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay; đề nghị quy định cụ thể danh mục khoáng sản theo nhóm kèm theo dự thảo Luật.
Một số ý kiến cho rằng, cách phân loại như dự thảo Luật dẫn đến việc một khoáng sản thuộc cả 02 nhóm, có thể tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Đại biểu đề nghị giải trình loại khoáng sản làm vật liệu thông thường nhóm III là loại khoáng sản cụ thể nào, đất hiếm là loại khoáng sản thuộc nhóm nào; đề nghị bổ sung đất hiếm vào nhóm I. Một số ý kiến băn khoăn về có sự lẫn lộn giữa nhóm này với nhóm khác, nhất là khoáng sản nhóm III và nhóm I, nhóm IV; đề nghị quy định phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV. Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề khoáng sản nhóm 4 để phục vụ cho việc khai thác vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình xây lắp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và khắc phục được việc khan hiếm vật liệu để phục vụ cho các công trình cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia. Theo đại biểu, nếu quy định quá thông thoáng, dễ dẫn tới lạm dụng, do vậy cần có biện pháp để quản lý. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc nếu đưa các loại đất sét vào khoáng sản nhóm IV, thì cần phải phân loại, bởi có loại đất sét có giá trị kinh tế rất cao (đất sét để làm gốm sứ giá trị còn cao hơn cả than), nếu không quản lý đất sét dễ bị trà trộn, dễ bị lợi dụng. Do vậy, trong các loại sét, cần phân loại đất sét có giá trị kinh tế cao cần được xếp vào loại khác, còn những loại sét thông thường có thể xếp vào nhóm IV.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết thêm, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cũng chỉ ra tồn tại, đó là theo quy định các dự án bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, nhưng không biết rõ nội dung nào của quy hoạch. Trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản vẫn có yêu cầu khoáng sản nhóm 4 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh. Vì vậy, để quá trình tổ chức triển khai thực hiện không phát sinh vướng mắc, cần làm rõ nội dung phù hợp quy hoạch tỉnh là nội dung nào.
Cũng liên quan đến quy định về phân loại khoáng sản, một số đại biểu đề nghị xem lại quy định xếp nước khoáng chung nhóm khoáng sản với kim loại quý, đá quý (khoáng sản nhóm I) để tạo điều kiện cho người dân khai thác nguồn nước nóng thiên nhiên thu hút du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Có ý kiến đề nghị việc khai thác cát chỉ để san lấp thì đưa vào nhóm IV và thực hiện đăng ký khai thác, tránh lẫn lộn giữa nhóm IV và các nhóm I, II. Có ý kiến đề nghị xây dựng nhóm khoáng sản đặc thù bô xít, titan và có chính sách riêng phù hợp với điều kiện hiện nay; các loại khoáng sản đặc thù như bô xít, titan phân bố quá rộng tại các địa phương nên phải dừng dự án, dẫn đến địa phương không có cơ hội để phát triển.
Cho ý kiến về phân loại nhóm khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định và việc phân nhóm khoáng sản. Dự thảo luật phân loại dựa theo công dụng và mục đích quản lý đối với 4 nhóm khoáng sản, tuy nhiên, sự phân định rành mạch của 4 nhóm có liên quan đến quy hoạch khoáng sản và đặt ra một số vấn đề. Vì vậy, cần đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện theo nhu cầu và tiến bộ khoa học, công nghệ phát triển và dự lường trong tương lai để phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm. Bởi trong 4 nhóm khoáng sản có cơ chế quản lý khác nhau; khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV đều có thể làm vật liệu xây dựng. Trong trường hợp khoáng sản nhóm III, nhóm IV muốn được sử dụng như nhóm II, việc quản lý sẽ như thế nào? Vì vậy, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu việc phân loại như dự thảo luật có tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.
Trước đó, chiều 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Trình bày Tờ trình, đại diện Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu. Mặt khác, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng).
Cùng với đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như: Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; Thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho Doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số điểm mới của dự thảo Luật gồm: Quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); Phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI); Tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V); Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, thu hồi khoáng sản, khai thác tận thu khoáng sản); Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng (Điều 53).
Ngoài ra, trong dự án Luật cũng đề cập điểm mới về sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52); Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế (Điều 103); Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII); Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62); Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 5).
Dự thảo Luật đã phân công, phân cấp và cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản tại các chương khác của dự thảo Luật. Đối với khoáng sản nhóm IV, không yêu cầu phải thực hiện thủ tục thăm dò, khai thác, chỉ cần đăng ký khai thác.
Về phân công quản lý thống nhất về quy hoạch khoáng sản, theo Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả”. Tuy nhiên, nội dung phân công lập quy hoạch theo Luật Khoáng sản năm 2010 đang giao cho 3 Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng) lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo Luật đề xuất gộp 3 Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thành 2 Quy hoạch: Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công.
Về phân cấp quản lý, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện; công tác cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục cấp phép cũng được quy định trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến kết thúc vào sáng ngày 03/12/2024. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến 12/11/2024; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến 03/12/2024. Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
ĐOÀN VINH
Bình luận