Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ tư, 09/03/2022 11:03
TMO - Du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, do đó cần có giải pháp, định hướng để du lịch nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.
Trong những năm qua, nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Nhiều mô hình du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp, nông thôn đ được đầu tư khai thác. Doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn đã có sự liên kết chặt chẽ, nhiều tour du lịch nông nghiệp, nông thôn độc đáo, chất lượng bước đầu được du khách đón nhận. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch.
Theo thống kê từ các địa phương trên cả nước có khoảng trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực khu vực nông thôn. Chương trình mỗi làng một sản phẩm (OCOP) xác định được tại 63 tỉnh, thành phố, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có trên 200 sản phẩm và có trên 400 làng, bản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nhiều điểm đến khu vực nông thôn có thể đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Du khách quốc tế trải nghiệm loại hình du lịch nông thôn
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của khách du lịch trong và ngoài nước, hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Trong đó, điểm đến, sản phẩm du lịch tại nhiều vùng nông thôn cũng được đầu tư nhằm mục đích khai thác tiềm năng thế mạnh của khu vực nông thôn đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam trong kết nối giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Cùng với định hướng quy hoạch phát triển du lịch và chính sách xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại nhiều vùng, miền trên cả nước nông thôn trên cả nước đ để lại nhiều dấu ấn, góp phần làm phong phú hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch tại khu vực nông thôn. Nhiều điểm du lịch nông thôn được đầu tư khai thác hiệu quả, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, tăng khả năng thu hút khách, thu nhập từ hoạt động khai thác kết hợp du lịch và nông nghiệp đem lại doanh thu cao hơn so với hoạt động nông nghiệp thuần tuý. Hoạt động đầu tư kinh doanh du lịch nông thôn tập trung vào các hình thức sau: Đầu tư của các hộ gia đình: nhiều hộ gia đình tại các làng, bản có điều kiện phát triển du lịch đặc biệt tại vùng miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Đồng Bằng sông Cửu long... đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để phục vụ khách du lịch. Với mức đầu tư không quá lớn, các hộ gia đình đã chủ động tham gia kinh doanh du lịch. Hoạt động đầu tư kinh doanh này đem lại hiệu quả tích cực cho kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương, đặc biệt là các bản, làng vùng cao miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.
Phần lớn các hộ gia đình tham gia vào hoạt động du lịch chủ yếu thông qua cung cấp các dịch vụ homestay cho khách du lịch dưới hình thức đầu tư, tôn tạo nhà ở thành phòng cho khách du lịch thuê. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng trên 3.000 cơ sở lưu trú homestay với trên 20.772 phòng. Mô hình kinh doanh này phát triển ở nhiều khu vực trên cả nước trong đó phát triển rõ nét nhất tại vùng miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hầu hết các homestay được đầu tư tại các làng, các bản đón khách du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan. Ngoài dịch vụ phòng cho thuê, các hộ gia đình còn cung cấp dịch vụ ăn uống, vận chuyển, tham quan và một số dịch vụ vui chơi giải trí ngoài trời (câu cá, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống). Nhiều bản vùng cao phía bắc (Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái...) đã có doanh thu hàng tỉ đồng/ năm nhờ cung cấp dịch vụ homestay và các dịch vụ khác. Thu nhập của nhiều hộ gia đình tại các bản làng làm du lịch đạt 60-70 triệu đồng/năm.
Du lịch nông thôn đã tạo thêm nguồn sinh kế; tạo ra việc làm, đem lại thu nhập, sinh kế ổn định cho bà con nông dân, cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn. Thông qua hoạt động du lịch, cộng đồng địa phương góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, nâng cao chất lượng cuộc sống, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút, giới thiệu đến khách du lịch.
Tuy nhiên, phần lớn các do xuất phát từ quy mô kinh doanh hộ gia đình, nên hình thức đầu tư này hạn chế về nguồn vốn, khả năng tiếp cận thị trường, nhân lực, sự sáng tạo cũng như năng lực quản trị chất lượng dịch vụ. Tại một số địa phương, các hộ gia đình liên kết dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để triển khai hoạt động kinh doanh tuy nhiên phần lớn đầu tư du lịch của các hộ gia đình mang tính manh mún, nhỏ lẻ, khó có khả năng thu hút khách. Phần lớn hoạt động du lịch tại khu vực nông thôn (khu vực ven biển, vùng núi, vùng cao...) tập trung chủ yếu vào mô hình du lịch cộng đồng trong các sản phẩm du lịch được khai thác dưới hình thức cung cấp các sản phẩm dịch vụ: vận chuyển (chèo thuyền, lái xuồng, ca nô); ăn uống; lưu trú homestay, cung cấp các dịch vụ trải nghiệm (hướng dẫn khách du lịch trồng trọt, thu hái sản vật địa phương) ...
Hình thức du lịch cộng đồng với dịch vụ homestay là chủ đạo đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương, tạo sức hấp dẫn với du lịch khu vực nông thôn. Theo thống kê chưa đầy đủ, nhu cầu khách du lịch đến các điểm du lịch nông thôn tại một số địa phương có xu hướng tăng lên.
Để đạt được hiệu quả phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới, điểm đến du lịch nông thôn phải được được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… Các điểm đến du lịch nông thôn cần được tổ chức quy hoạch không gian đảm bảo các điều kiện để khai thác điểm đến du lịch mang bản sắc vùng miền (khu vực nông thôn gắn với môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, bảo tồn được những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, nền ẩm thực đặc trưng, làng nghề truyền thống…).
Các địa phương cần rà soát, tổ chức quy hoạch xác định những lợi thế của nông thôn từ đó đề ra chiến lược phát triển phù hợp với thị trường. Quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đặc biệt là quy hoạch về kiến trúc, cảnh quan của các điểm du lịch nông thôn phải được bổ sung trong Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy các lợi thế đặc trưng về tự nhiên, văn hóa (cảnh quan, làng nghề, cơ sở dịch vụ nông thôn...) phục vụ phát triển du lịch. Điểm đến du lịch phải có sự kết nối với các trung tâm, thị trường nguồn gửi khách và các điểm đến khác để hình thành tuyến điểm du lịch đa dạng.
Điểm đến du lịch nông thôn phải liên kết với các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch, doanh nghiệp lữ hành sẽ là cầu nối đưa khách du lịch đến với điểm đến và định hướng thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách. Việc kết nối hình thành mạng lưới các điểm đến du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá xúc tiến du lịch. Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận điểm du lịch nông thôn đặc trưng của từng vùng, đồng thời hình thành liên kết giữa điểm du lịch nông thôn trong vùng để nâng cao hiệu quả khai thác chương trình du lịch của các công ty lữ hành.
Trong định hướng phát triển du lịch nông thôn cần hình thành mạng lưới các điểm du lịch nông thôn phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của khách du lịch như: Các làng (thôn, bản, ấp) du lịch cộng đồng; Các nông trại, trang trại khai thác nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch và các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại khu vực nông thôn. Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền và từng địa phương hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm chất lượng cao, từ đó khai thác triệt để tiềm năng, lợi thể địa phương góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội theo hướng bền vững.
Quốc Dũng – Tú Quyên
Bình luận