Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ bảy, 23/09/2023 07:09
TMO - Du lịch nông nghiệp nông thôn là không gian để sản phẩm OCOP quảng bá, phát huy và lan tỏa các giá trị về chất lượng, văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương, nâng cao giá trị đặc sản nông nghiệp.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao). Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền...
Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.
Tỉnh Bắc Kạn khai thác sản phẩm OCOP Bí xanh Ba Bể trong phát triển du lịch. Ảnh:
Mặc dù các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ chương trình OCOP, chương trình du lịch nông thôn và các chương trình khác. Tuy nhiên, có những kế hoạch chưa có sự gắn kết với nhau như kế hoạch phát triển du lịch nông thôn chưa có sự thể hiện rõ vai trò góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP, hay có kế hoạch chỉ tập trung thúc đẩy nhiều sản phẩm OCOP lại thiếu giải pháp kết nối với chương trình phát triển du lịch nông thôn địa phương.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” vừa được tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng ở giai đoạn mới, thương hiệu OCOP được khẳng định với những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, Chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch.
Ngoài ra, cần quy hoạch vùng miền, các địa điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương để thúc đẩy mua bán các sản phẩm OCOP vùng, góp phần đưa sản phẩm OCOP ra thị trường mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn tới Ban Chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa.
Doanh nghiệp du lịch nông thôn cần hiểu văn hóa địa phương, nhu cầu khách du lịch và xu hướng quốc tế. Việc phát triển bền vững rất cần sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền, nông dân nhằm kết nối hệ thống du lịch toàn diện. Nhà nước quan tâm phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành, từ đó thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP được giới thiệu tại các điểm, khu du lịch nông nghiệp nông thôn. Ảnh: BĐT.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Thứ nhất: Phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị đó lên, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.Thứ hai: Vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường.Thứ ba: Thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực.
Trong 5 năm vừa qua, Bộ NN&PTNN tập trung phát triển OCOP trong nước, phát triển số lượng, củng cố chất lượng. Hiện Bộ đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các đại sứ quán để tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu. Để phát triển hơn nữa chất lượng các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng đề nghị nên có các tổ kiểm tra định kỳ các sản phẩm OCOP, không để trường hợp 1 lần công nhận có hiệu lực 10 năm. Về phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sẽ sớm có tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia, Việt Nam hiện có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn giúp phát triển kinh tế nông thôn và tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp, mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách. Bên cạnh đó, thế mạnh từ các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.
Tính đến nửa năm 2023, cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, du lịch canh nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý. Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
Thảo Ngân
Bình luận