Hotline: 0941068156
Thứ hai, 03/02/2025 14:02
Chủ nhật, 02/02/2025 07:02
TMO - Xác định rõ sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng là yếu tố nền tảng, quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng, thời gian tới tỉnh Đồng Nai triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng.
Tại kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai", địa phương này đặt đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính và sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực;
Xây dựng và hoàn thiện được quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trên các loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2030, phấn đấu tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.
Ngành chức năng tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đất với sản xuất trồng trọt; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về sức khỏe đất, đặc biệt đối với đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn tại địa phương; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương;
Địa phương này triển khai các hoạt động giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt. Ảnh: BĐN.
Chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý phân bón, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế; lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất và cơ sở dữ liệu phân bón.
Đồng thời, địa phương này chủ động triển khai các hoạt động giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu; điều tra, đánh giá đất trồng trọt, hiệu quả sử dụng phân bón làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và từng loại cây trồng của địa phương; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng đất sản xuất trồng trọt và phân bón; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt.
Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà chung của các hệ sinh thái. Cũng giống như sức khỏe đất, việc quản lý dinh dưỡng cây trồng ở nước ta hiện nay cũng đang phải đối mặt nhiều vấn đề. Quản lý dinh dưỡng cây trồng thực chất là quản lý tất cả các nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng từ đất, phân bón (vô cơ, hữu cơ, sinh học), phế phụ phẩm cây trồng... nhằm giảm thiểu sự thất thoát và hướng tới duy trì, cải thiện độ phì nhiêu đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và cải thiện năng suất cây trồng.
Kết quả điều tra, đánh giá đất trên phạm vi toàn quốc về thoái hóa đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021 cho thấy, cả nước có gần 12 triệu héc-ta đất bị thoái hóa, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp có hơn 5 triệu héc-ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước thực trạng sức khỏe đất đang ngày càng suy giảm và có nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt "Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Mục tiêu của đề án nhằm ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.../.
Đức Thuận
Bình luận