Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ hai, 23/10/2023 14:10
TMO - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng như hiện nay, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xã hội. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã triển khai đồng bộ các giải pháp chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước mặt của UBND tỉnh cho thấy, Đồng Nai có trữ lượng nước lớn, khoảng 26 tỷ m3. Đó là nguồn nước từ hệ thống sông ngòi, các công trình thủy lợi. Trong đó, lớn nhất là nguồn nước mặt từ hệ thống sông Đồng Nai. Hiện tại, đang được các đơn vị khai thác nước thô, xử lý và cung cấp nước sạch cho phần lớn đô thị, khu công nghiệp và một số vùng nông thôn của tỉnh. Ngoài ra, một số công ty cấp nước sạch cho TP.HCM cũng đặt nhà máy khai thác nước sông trên địa bàn tỉnh.
Nguồn nước mặt lớn thứ 2 là hệ thống từ 18 công trình hồ, đập, hiện cũng đang được khai thác nước thô cung cấp cho các đơn vị xử lý nước sạch, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác trực tiếp để cung ứng nước sạch cho khu vực nông thôn, một phần cho công nghiệp và đô thị. Ngoài ra, tỉnh còn có nguồn nước từ hồ thủy điện Trị An được khai thác, cấp nước cho đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn tại các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh.
Nguồn nước mặt lớn từ hồ thủy điện Trị An được khai thác, cấp nước cho đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy, Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng nước mặt dồi dào. Công suất khai thác phục vụ cấp nước sạch chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tài nguyên hiện có. Vì thế trữ lượng nước mặt phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội không đáng lo. Cơ quan chức năng thực hiện quan trắc tại 166 vị trí sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, chất lượng nước mặt khá tốt, một số khu vực ô nhiễm trước đây đã cải thiện. Điều này chứng tỏ các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm mang lại kết quả tích cực. Vì có nguồn nước dồi dào, chất lượng ngày càng tốt hơn nên những năm gần đây tỉnh chủ trương giảm, tiến tới ngưng khai thác nước ngầm ở những khu vực có thể phát triển nước mặt. Giải pháp này vừa khai thác hiệu quả nguồn nước mặt vừa giảm cạn kiệt, suy thoái tài nguyên nước dưới đất.
UBND tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh một số khu vực nguồn nước ngầm đã khan hiếm hoặc không còn đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt. Chậm nhất cuối năm 2025 tỉnh sẽ ngưng khai thác nước ngầm phục vụ cấp nước sạch cho người dân nhằm 2 mục đích: bảo vệ nguồn nước ngầm và nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy. Do đó, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình phát triển nước sạch, tích trữ và bảo vệ nguồn nước. Đối với bảo vệ nguồn nước cần phải nhanh chóng xây dựng các dự án xử lý nước thải để bảo vệ nguồn nước sông và môi trường.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 nhấn mạnh đến các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất: Tăng cường công tác thể chế, năng lực quản lý ở các cấp. Đào tạo nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tài nguyên nước cho những công chức chuyên môn ở huyện và các xã. Xây dựng chương trình cụ thể để tuyển dụng cán bộ có trình độ và năng lực chuyên môn phù hợp. Tăng cường quản lý và cấp phép. Thực hiện việc rà soát, kiểm tra thường xuyên, phát hiện các tổ chức, cá nhân khoan, thăm dò, khai thác nước dưới đất chưa có giấy phép hoặc chưa đăng ký. Định kỳ lập danh sách các tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép, thông báo và công bố trên các phương tiện thông tin.
Tỉnh Đồng Nai hướng đến mục tiêu chậm nhất đến cuối năm 2025 tỉnh sẽ ngưng khai thác nước ngầm phục vụ cấp nước sạch cho người dân. Ảnh: BN.
Hoàn tất việc đăng ký, cấp phép đối với các công trình khai thác nước dưới đất đã có để đưa vào quản lý theo quy định. Xây dựng và thực hiện chương trình thanh tra, kiểm tra hằng năm, kết hợp với công tác kiểm tra đột xuất, chú trọng đối với các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước lớn, các công trình có quy mô khai thác, chiều sâu giếng lớn và đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm. Xử lý vi phạm nghiêm chỉnh việc thực hiện xử lý trám lấp các giếng khoan không sử dụng và các vi phạm về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất theo quy định. Xây dựng và thực hiện chương trình kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm, xử lý và trám lấp các giếng không sử dụng.
Các công trình khai thác nước dưới đất phải có đới bảo hộ vệ sinh theo Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 24/02/2010 của UBND tỉnh Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tái sử dụng nước thải sau xử lý theo khoản 1,2 điều 4 của TT04/2015-BXD ngày 3.4.2015 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn thi hành 1 số điều của NĐ80/2014/NĐ-CP ngày 6.8.2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải Các công trình khai thác nước phải xin phép phải có các thiết bị quan trắc mực nước, lưu lượng, nhiệt độ theo quyết định 15/2008/QĐ - BTNMT về Quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất để quản lý, giám sát hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn huyện.
Mặc dù được đánh giá có nguồn nước mặt dồi dào nhưng trước biến đổi bất thường của thiên tai, khí hậu, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, bảo vệ nguồn nước. Đó là Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025, Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Danh mục và phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh đề ra nhiệm vụ đầu tư xây dựng 10 hồ chứa nước thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp cấp nước sinh hoạt, dung tích khoảng 46 triệu m3, kinh phí hơn 3 ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Cùng với đó là rà soát, tiến hành nạo vét, cải tạo một số hồ, đập nhằm tăng dung tích chứa nước.
Bên cạnh đó, tỉnh không thực hiện quy hoạch phát triển các dự án công nghiệp, chăn nuôi, thương mại dịch vụ, khu dân cư tập trung gần nguồn nước. Xử lý triệt để các điểm đen về môi trường như khai thác khoáng sản, bãi rác. Di dời các cơ sở chăn nuôi, sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đặc biệt là xả nước thải vào nguồn nước. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Đồng Nai hướng đến việc đảm bảo nguồn nước sạch cho mọi người dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích trữ nguồn nước để chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Giảm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và từng bước phục hồi các hệ sinh thái.
Minh Hoàng
Bình luận