Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ sáu, 31/03/2023 13:03
TMO - Trước tác động của biến đổi khí hậu đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán gia tăng, việc triển khai các phương án trữ nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của các địa phương được xem là nhiệm vụ cấp bách.
Kết quả tính toán theo phương án phân bổ nguồn nước cho thấy tổng lượng nước thiếu toàn lưu vực sông Cửu Long là 2,76 tỷ m3, tập trung vào các vùng mặn và lợ, đặc biệt là vùng bán đảo Cà Mau, vùng U Minh, Bạc Liêu vào mùa khô chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 4 trong đó chủ yếu là các tháng 2 và 3.
Trước những dự báo về thiếu hụt nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long, việc triển khai đồng bộ các giải pháp trữ nước sẽ góp phần cân đối, giúp các địa phương chủ động được nguồn nước trước bất lợi của thời tiết. Trong đó, Dự án “Cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Xây dựng đề xuất với mục tiêu cấp nước cho khu vực Tây Nam sông Hậu đến năm 2025. 7 địa phương thuộc dự án gồm: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Dự án đưa ra 2 phương án cấp nước bao gồm: Phương án cấp nước tập trung qua hệ thống cấp nước vùng và phương án cấp nước phân tán. Hệ thống cấp nước tập trung bao gồm 3 nhà máy cấp nước vùng, mạng lưới ống truyền tải - phân phối nước sạch cấp vùng và mạng lưới đường ống phân phối tại các đô thị. Phương án này có chi phí tương đối lớn (khoảng 1,7 tỷ đô la). Với chi phí xây dựng như trên, người dân phải chi trả khoảng từ 20.000 - 40.000 đồng/m3 và do đó chưa khả thi với khả năng chi trả của người dân trong vùng.
Phương án cấp nước phân tán nghiên cứu với mục tiêu hướng đến an toàn cấp nước cho từng địa phương, sử dụng tối đa nguồn lực tại chỗ. Đối với Kiên Giang, Bạc Liêu Cà Mau: Sử dụng nhiều nguồn nước tại chỗ khác nhau (nước ngầm tầng nông, tầng sâu, nước mặn, nước lợ) để cấp nước phân tán theo từng đô thị; Khai thác nước mặt sông Hậu tại Cần Thơ, An Giang. Đầu tư xây dựng mới các nhà máy nước quy mô cấp tỉnh và mạng đường ống truyền tải, phân phối cấp tỉnh; Khai thác nước mặt tại chỗ, kết hợp hồ chứa nước thô tại Hậu Giang và Sóc Trăng.
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành giai đoạn 1 vào tháng 5/2022 với nhiệm vụ: Kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên). Kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp; giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô. Góp phần cấp nước ngọt cho vùng sản xuất mặn - ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; tiêu thoát trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Các địa phương sử dụng nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long hầu hết triển khai biện pháp vận hành hiệu quả các đập ngăn mặn trong trữ ngọt, giữ nước trong mùa khô. Ảnh: VS.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, các địa phương tại lưu vực sông Cửu Long đã chủ động trong việc phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, tích cực thực hiện các biện pháp trữ ngọt và ngăn mặn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các giải pháp trữ ngọt trong giai đoạn tiếp theo. Tại Đồng Tháp, địa phương này đã đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn, bố trí ngân sách nhằm sửa chữa, nâng cấp cống tưới tiêu kết hợp ụ bơm. Ngoài ra, hệ thống các đập tạm do người dân địa phương làm, hệ thống trạm bơm hút nước trữ trên các ao quy mô nhỏ, hộ cá thể cũng đã phát huy hiệu quả trữ nước.
Tại tỉnh Bến Tre, để chủ động nguồn nước địa phương này đã tranh thủ vận hành công trình cống lấy nước để trữ tối đa vào công trình thủy lợi và những thời điểm có xuất hiện nước ngọt trong giai đoạn mặn, gồm đắp 17 công trình đập tạm để ngăn mặn, trữ nước ngọt. Vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng 800.000 m3 nước, đã tạo được nguồn cung nhất định cho các nhà máy nước sinh hoạt phục vụ 200.000 người dân thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Tuy nhiên, trong mùa khô hạn 2019-2020, do hạn mặn kéo dài, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đã thiếu nước trầm trọng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, một số hồ trữ nước ngọt đã được xây dựng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu Đô thị Rạch Giá và các khu lân cận như Hồ Vĩnh Thông (553.000 m3), Hồ Đông Hà Tiên (1.000.000m3), hồ Kiên Lương (3.000.000m3). Tỉnh kiến nghị đầu tư xây dựng hồ trữ nước cho các trạm đang sử dụng nguồn nước mặt để xử lý nước cấp cho nhân dân cụ thể ở các khu vực không sử dụng được nước ngầm như xã Tân Hiệp, Gò Quao, Hòn Đất.
Tại Sóc Trăng, theo quy hoạch sử dụng đất của tỉnh các huyện đều có quy hoạch phần diện tích đất để đào ao trữ nước, các địa phương cần ưu tiên xây dựng phương án trữ nước ngọt là các huyện ven biển như: thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng.... Do đặc thù tỉnh Cà Mau sử dụng nước mưa để phục vụ sản xuất, không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô, nên tỉnh đã đầu tư các hồ chứa nước mưa ở các vùng phù hợp như U Minh Thượng, U Minh Hạ; đầu tư mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa.
Hàng năm vào mùa khô người dân thuộc vùng U Minh hạ tỉnh Cà Mau thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Hầu hết người dân tại đây khoan giếng nước ngầm để khai thác sử dụng cho sinh hoạt, nhưng không phải địa phương nào khoan giếng cũng thu được nước ngọt nên tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt thường xuyên xảy ra. Hồ chứa nước ngọt tại huyện U Minh có diện tích 102ha dung tích thiết kế là 3,85 triệu mét khối nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 người dân huyện U Minh và vùng phụ cận đã được đưa vào sử dụng từ tháng 1 năm 2022.
Các địa phương đang tăng cường nạo vét các tuyến kênh để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất của người dân. Ảnh: H.Thu.
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở lưu vực sông Cửu Long diễn biến ngày càng gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong vùng, các giải pháp trữ nước đã và đang được các bộ, ngành, địa phương thực hiện là những biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đến nay ở lưu vực sông Cửu Long chưa có giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên vùng, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển lưu vực sông Cửu Long theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vì vậy, việc xây dựng giải pháp trữ nước tổng thể cho toàn vùng là một yêu cầu cấp thiết. Giải pháp trữ nước phải đảm bảo hiệu quả về kinh tế (dựa trên các tính toán về chi phí lợi ích): Ưu tiên các khu trữ có chi phí thấp, tận dụng được điều kiện địa hình sẵn có trong lấy nước, trữ nước và cấp nước. Đồng thời, phải đem lại lợi ích cấp nước cao. Các khu trữ có khả năng tự làm sạch, đảm bảo không bị ô nhiễm do chứa nước trong 1 thời gian dài. Đồng thời, phải ít ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường xung quanh. Các khu trữ được xây dựng có tác động lớn đến xã hội (ưu tiên ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế,…).
Giải pháp đề xuất trữ nước trong mùa lũ ở các vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là giảm số vụ trồng lúa từ 3 xuống 2 vụ. Giải pháp này có ưu điểm là vừa giảm lũ vào mùa mưa vừa đẩy mặn và cấp nước vào mùa khô. Tuy nhiên, giải pháp này có quy mô lớn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư cũng như ảnh hưởng đến người dân vùng ngập lũ cũng như các vấn đề về môi trường. Về khả năng trữ nước, giải pháp này chỉ trữ nước trong thời gian ngắn hạn vì các khu trữ chỉ sử dụng tạm thời diện tích trồng trọt. Giải pháp này có chi phí lớn do cần phải xây dựng hệ thống đê bao khép kín kèm theo các cống lấy nước trữ trên đồng vào mùa lũ và cấp nước vào mùa khô. Đồng thời, do địa hình bằng phẳng, khả năng tự chảy thấp nên có khả năng phải xây dựng một số trạm bơm nước động lực để bơm nước khi cần thiết.
Đối với giải pháp trữ nước tại các Vườn quốc gia có thuận lợi là không tốn quỹ đất cho xây dựng các khu chứa do tận dụng được diện tích rừng ngập nước làm nơi trữ nước (chẳng hạn, Vườn quốc gia Tràm Chim). Chi phí của giải pháp này không quá cao, chủ yếu cho xây dựng hệ thống cống điều tiết đầu kênh, hệ thống bơm cấp nước và kênh dẫn nước. Tuy nhiên, giải pháp này bị giới hạn bởi các quy định liên quan đến việc bảo tồn và hạn chế can thiệp vào hệ sinh thái của vườn quốc gia do có khả năng thay đổi hệ sinh thái của các vườn quốc gia này.
Giải pháp trữ nước trên hệ thống kênh rạch là giải pháp khả thi cấp nước nội vùng, có hiệu quả nhất về mặt kinh tế, có thể thấy qua các ví dụ thực tế ở tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Chi phí thực hiện chủ yếu là chi phí nạo vét lòng kênh, rạch, xây dựng các cống điều tiết. Việc vận hành hệ thống trữ nước trên kênh rạch đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Theo đó hệ thống sẽ mở lấy nước từ sông lớn vào khi triều lên, các cống ngăn mặn sẽ đóng. Khi triều xuống thì các cống ngăn mặn sẽ mở ra để chuyển nước theo kênh trục đến vùng thiếu nước.
Đức Cường
Bình luận