Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ hai, 26/12/2022 14:12
TMO - Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp quảng bá, trải nghiệm du lịch phục hồi tại xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đang là phương hướng giúp các dược sĩ trẻ, giàu tình yêu đối với thiên nhiên gặt hái nhiều thành công ngoài mong đợi.
Cảnh quan thiên nhiên đầy “hứa hẹn” tại xã An Toàn, huyện An Lão
Trước đây, người dân trên địa bàn xã An Toàn chủ yếu trồng dứa (thơm) và củ sắn (khoai mì). Tuy nhiên, do giá thành thu mua sản phẩm thô thường thấp cũng như bị thương lái ép giá nên hiệu quả kinh tế mang lại không đảm bảo. Hiểu được khó khăn này, đồng thời bị hấp dẫn trước nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, những khu rừng nguyên sinh, con thác nên thơ như tranh vẽ tại địa phương, anh Thái Minh Tiến và nhóm bạn của mình, khi đó đều là giảng viên ngành dược tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định về đây khởi nghiệp và thành lập mô hình Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ An Toàn.
Những khu rừng nguyên sinh, con thác đẹp như tranh vẽ tại An Toàn
Đây cũng là quê cha đất tổ của anh Tiến nên đối với anh chuyến hồi hương về “xứ Nẫu” mang đến nhiều cảm xúc bồi hồi, khó tả. Sau hơn 2 năm làm việc tại huyện An Lão (kể từ năm 2020), đến nay HTX đã giúp nhiều người dân trên địa bàn tận dụng tối ưu nguồn nguyên liệu dồi dào từ khoai mì, dứa thô để chế biến thành sản phẩm tinh chế như bột năng dứa sấy, mật dứa giúp nâng cao giá thành, tạo thêm nhiều mặt hàng đa dạng, phục vụ cho nhiều nhiều thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, HTX nông nghiệp và dịch vụ An Toàn cũng ưu tiên trồng những sản phẩm thuốc, chế biến thực phẩm từ dược liệu để chuyển giao cho bà con nông dân, mở rộng khu vực thu hoạch sản phẩm xanh, sạch. Cũng theo anh Tiến, hiện nay giá trị các bài thuốc, vị thuốc dược liệu cổ truyền cùng nhu cầu sử dụng dược liệu hữu cơ ngày càng tăng cao. Do đó, không chỉ giúp bà con chuyển đổi cơ cấu, HTX còn hướng đến thay đổi tư duy cố hữu của người dân, giúp họ đẩy mạnh khai thác những dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao như chè dây dạ cẩm, trà thảo dược insulac, nấm lim xanh, cao dược liệu,… qua đó góp phần thúc đẩy tối ưu sản xuất trên từng đơn vị diện tích rừng.
Khu vực trồng dược liệu tại xã An Toàn không chỉ có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, khí hậu mát mẻ, thời tiết mát mẻ mà còn tập trung nhiều cộng đồng người dân tộc Bana. Chính vì thế, ý tưởng về việc kết hợp giữa du lịch sinh thái cùng khám phá văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của người dân bản địa đã dần nhen nhóm và trở thành mục tiêu được các thành viên HTX hướng đến.
Xã An Lão là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời của cộng đồng người Bana
Theo đó, ngoài các mô hình vườn trồng dược liệu, nhà xưởng chế biến sản phẩm, HTX cũng đã triển khai tổ chức hoạt động du lịch phục hồi, cung cấp các trang trại, khu nghỉ dưỡng cho khách lữ hành đến tham quan, thưởng lãm, trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch, hỗ trợ điều trị căng thẳng và phục hồi sức khỏe cho du khách; mô hình còn giúp cải thiện chất lượng đời sống, nâng cao thu nhập và lợi ích kinh tế giúp cộng đồng người dân tộc miền cao, giúp họ có việc làm ổn định, giảm thiểu vấn nạn chặt phá rừng và săn bắn thú bừa bãi.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, HTX nông nghiệp và dịch vụ An Toàn sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình này sang nhiều tỉnh thành lân cận, đặc biệt là khu vực nông thôn. Định hướng của các thành viên vẫn không đổi, đó là giúp nông dân thay đổi thói quen canh tác cũ, biết lựa chọn giống cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, góp phần bảo vệ môi trường sống. Đồng thời, mang đến cho du khách trải nghiệm và thiên hướng sống tự nhiên, gần gũi các dược liệu hữu cơ, niềm yêu thích và thói quen bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng.
Huỳnh Kha
Bình luận