Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 29/09/2023 07:09
TMO - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nếu định giá đất sai, Nhà nước và người dân đều thất thu. Do vậy, không để vấn đề riêng tư gây ảnh hưởng đến việc định giá đất, đồng thời phải cá thể hóa trách nhiệm trong lĩnh vực này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề định giá đất, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, các phương pháp định giá đất được lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập; đồng thời bổ sung trở lại phương pháp thặng dư.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là nội dung quan trọng, vì vậy, cần có đề xuất chính thức của Chính phủ. Một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng nội hàm các phương pháp đã có sự thay đổi so với quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy, chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá tính hợp lý về nội hàm và nguyên tắc áp dụng các phương pháp xác định giá đất. Do đó đề nghị chỉ quy định tên phương pháp và giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nếu định giá đất sai, Nhà nước và người dân đều thất thu. Do vậy, không để vấn đề riêng tư gây gây ảnh hưởng đến việc định giá đất, đồng thời phải cá thể hóa trách nhiệm và thông tin phải rất rõ ràng.
Về nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo quy định theo hướng liệt kê cụ thể các trường hợp có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng. Đồng thời khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi trong các trường hợp luật định, không tràn lan. Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê lại có hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Riêng đối với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo luật chỉnh sửa theo hướng phải là các dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định. Một số ý kiến cho rằng, việc thu hồi thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Định giá đất là một trong những nội dung quan trọng được lấy ý kiến hoàn chỉnh tại Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án loại này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất…Thường trực Uỷ ban Kinh tế nhận thấy, đây là quy định quan trọng, cần hết sức thận trọng, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tránh cách hiểu khác nhau, gây vướng mắc trong thực tiễn.
Quan tâm đến nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo liệt kê tới 27 trường hợp thu hồi đất, trong mỗi trường hợp lại tiếp tục liệt kê cụ thể từng trường hợp. Đề nghị cân nhắc điều này, bởi quy định như vậy là quá chi tiết, nhưng lại có thể thiếu trong một số trường hợp, không đáp ứng được tình hình thực tế, dẫn đến quy định lạc hậu. Cho rằng nội dung này đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân cũng như kinh tế - xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung thêm một "điều quét" trong luật để bao quát hết, chẳng hạn nhà sinh hoạt cộng đồng rất cần thiết nhưng lại không được liệt kê trong dự thảo.
Lưu ý một số nội dung quan trọng vẫn đang trong quá trình xem xét lựa chọn phương án tối ưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy cách làm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phối hợp thật tốt để có dự thảo chất lượng nhất. Với các nội dung còn 2 phương án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng “không nên đóng lại ngay”, đến phút cuối mà Quốc hội thấy chín muồi thì mới quyết. Điều quan trọng là từng phương án nêu rõ ưu, nhược điểm, cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý thế nào để khách quan, công khai, minh bạch.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị ĐBQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Ngày 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật tại phiên họp thứ 25. Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thực tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 31/8, dự thảo Luật được báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Từ ngày 5-27/9, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức các phiên họp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, rà soát ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 5, ý kiến tại các hội nghị, phiên họp, ý kiến các cơ quan góp ý về dự thảo Luật từ sau kỳ 5 đến nay và rà soát, chỉnh lý tổng thể dự thảo Luật.
Hiện dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 15 chương và 264 điều (bỏ 6 điều, bổ sung 7 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (Nghị quyết số 18-NQ/TW).
Đối với những nội dung chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, một số nội dung đã được Chính phủ nghiên cứu, thể chế hóa tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số nội dung khác về quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương trong pháp luật về ngân sách Nhà nước; rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó đã nêu nội dung rà soát, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế có liên quan đến đất đai.
Đỗ Hương
Bình luận