Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ sáu, 04/10/2024 08:10
TMO - Tại tỉnh Điện Biên, chuyển đổi số đã đem lại sự thống nhất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đóng góp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp ngành Kiểm lâm Điện Biên bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng bền vững.
Với 592.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 62% diện tích tự nhiên); trong đó diện tích có rừng hơn 419.000ha, Điện Biên được xếp vào nhóm các tỉnh có diện tích rừng lớn. Do vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Điện Biên luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Điện Biên cho biết, đến cuối năm 2023 tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên đạt 44,01%. Đây là nỗ lực rất lớn của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng được các địa phương có rừng chú trọng thực hiện. Đơn cử, tại Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé, hiện nay Ban quản lý đang bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học với diện tích 46.730,51ha trên địa bàn 5 xã gồm Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé).
Với diện tích rừng lớn, trong khi nhân lực của đơn vị còn hạn chế, để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả hơn, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đã tích cực sử dụng các tiến bộ khoa học như ứng dụng bộ công cụ SMART trong giám sát tuần tra và đa dạng sinh học; phần mềm QGIS, sử dụng ảnh vệ tinh miễn phí Planet trên QGIS trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng vTools for survey trên điện thoại di động trong hỗ trợ điều tra thực địa, theo dõi diễn biến rừng; phần mềm mapinfor trong quản lý bản đồ số, bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ...
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết: “Nhờ áp dụng, sử dụng những phần mềm, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), diện tích và chất lượng rừng tại đơn vị được nâng cao, giảm thiểu sức lao động trong quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Góp phần đánh giá toàn bộ hiện trạng động, thực vật rừng và đa dạng sinh học tại Khu Dữ trữ thiên nhiên Mường Nhé. Ngoài ra còn nâng cao khả năng sử dụng áp dụng các ứng dụng công nghệ của đội ngũ viên chức, người lao động của đơn vị”.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Điện Biên sử dụng Flycam để kiểm tra, giám sát diễn biến rừng trên địa bàn. (Ảnh: BĐB).
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, lực lượng kiểm lâm đã sử dụng công nghệ viễn thám để hỗ trợ theo dõi biến động rừng, cập nhật biến động rừng; tổ chức cài đặt ứng dụng FRMS mobile 4.0 trên trang thiết bị, điện thoại cá nhân của công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn tại 128/128 đơn vị cấp xã có rừng để phục vụ công tác khảo sát các vị trí có biến động tăng, giảm rừng trên thực tế.
Cùng với đó là sử dụng hiệu quả Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm tại https://watch.pcccr.vn/DiemChay để chủ động kiểm tra, phát hiện các vị trí có nguy cơ cháy rừng; sử dụng ảnh vệ tinh (Planet), google Map... rà soát các điểm nghi ngờ tăng, mất rừng trên địa bàn tỉnh. Đó là cơ sở để Chi cục Kiểm lâm tổng hợp lại và gửi các Hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời và tổ chức phối hợp kiểm tra. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị bay Flycam theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cũng hỗ trợ rất nhiều trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Thông qua các ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, 9 tháng đầu năm 2024, cán bộ, công chức kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 11.885 điểm cháy. Qua đó xác định và cung cấp 119 điểm nghi cháy vào rừng cho Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố. Chi cục Kiểm lâm cũng rà soát và cung cấp cho Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố 2.918 vị trí nghi xảy ra biến động rừng với tổng diện tích là 6.722ha.
Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giữ rừng trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ che phủ rừng tăng dần theo từng năm. Theo công bố hiện trạng rừng năm 2023, diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 419.894,26ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,01% (tăng 0,47% so với năm 2022, tương đương 4.532,91ha).
Thông tin từ Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sự phối hợp, tạo điều kiện có hiệu quả giữa các cấp, các ngành, lực lượng chức năng từ cơ sở đến cấp tỉnh, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cho lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, trong quá trình bảo vệ rừng vẫn gặp một số khó khăn như biên chế hiện tại của Chi cục quá mỏng; trung bình mỗi công chức kiểm lâm phải tham mưu quản lý trên 3.500ha rừng, địa bàn rộng, địa hình giao thông chia cắt…Tuy nhiên nhờ có các tiến bộ của khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ hiện đại đã hỗ trợ rất tích cực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Đặc biệt là đã góp phần giảm tải khối lượng công việc đáng kể cho lực lượng kiểm lâm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đến nay, Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành cập nhật kết quả tại phần mềm cập nhập diễn biến rừng của Cục Kiểm lâm theo quy định ctại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018, sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ NN& PTNT.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về rừng, trong đó có hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ tại tỉnh Điện Biên ngày càng được nâng cao, các biến động khiến rừng có nguy cơ bị xâm phạm, ảnh hưởng như lâm tặc, cháy rừng… cũng giảm thiểu đáng kể. Rừng được giữ vững ổn định và phát triển cả về diện tích và chất lượng, qua đó đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng, giữ vững khả năng phòng hộ, cũng như bảo tồn tính đa dạng sinh học…/.
Hồng Thanh
Bình luận