Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Chủ nhật, 29/10/2023 07:10
TMO - Tỉnh Điện Biên đã và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại biên giới, nhằm phát huy tối đa lợi mà thế kinh tế cửa khẩu đem lại cho địa phương.
Tỉnh Điện Biên có đường biên giới hơn 455 km tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Các cửa khẩu lối mở như: Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc giáp với Lào, Lối mở A Pa Chải giáp với huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)... là tiềm năng để các tỉnh Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng phát triển kinh tế thương mại. Chính vì vậy, Điện Biên có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan và Vân Nam, Trung Quốc.
Với lợi thế đó, Điện Biên trở thành địa điểm giao thương giữa một số vùng kinh tế, văn hóa phía Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh, thành này; đồng thời là cơ hội lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc, Bắc Thái Lan và Đông Bắc Myanmar.
Sở Công Thương Điện Biên cho biết, với những điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của tỉnh Điện Biên chủ yếu được thực hiện thông qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên) - Pang Hốc (tỉnh Phông-sa-lỳ, Lào) và cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc (tỉnh Điện Biên) - Na Son (tỉnh Luông-pha-bang, Lào). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại biên giới của Điện Biên 9 tháng năm 2023 ước đạt 58,02 triệu USD, bằng 71,37% so với cùng kỳ năm trước, đạt 48,35% so với kế hoạch năm; trong đó, xuất khẩu ước đạt 42,85 triệu USD, bằng 73,55% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,56% so với kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào chủ yếu là vật liệu xây dựng, hàng nông sản, hàng bách hóa tổng hợp; mặt hàng nhập khẩu từ các tỉnh Bắc Lào chủ yếu là gỗ, hàng nông sản, máy móc thiết bị,…
Để thu hút xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, những năm qua Điện Biên đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ra cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc, cửa khẩu chính Huổi Puốc - Na Son…nhằm thu hút lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Đồng thời xây dựng hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu theo quy hoạch. Nhờ đó, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh trên thị trường, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân nơi đây.
Các loại hình vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đã phát triển đa dạng. Hiện nay, Điện Biên có các tuyến xe liên vận quốc tế sang 5 tỉnh Bắc Lào (Luông Pha Băng, Bo Kẹo, Luông Nậm Thà, U Đôm Xay, Phông Sa Ly) đã được mở, tạo điều kiện cho giao thương, phát triển thương mại, du lịch... Đây là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch.
Để thu hút xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, những năm qua Điện Biên đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ra cửa khẩu (Ảnh minh họa).
Hiện nay, Điện Biên tiếp tục nâng cấp hiện đại hóa các Trung tâm thương mại ở các đô thị, các cửa khẩu và xây dựng đồng bộ mạng lưới thương mại đến các điểm dân cư phù hợp với tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tham mưu, triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1245/KH-UBND ngày 29/4/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó, phân công nhiệm vụ và thời gian cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện biên giới triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch số 801/KH-SCT ngày 21/6/2021 triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Công Thương tỉnh.
Cùng với đó, các chương trình xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước được tích cực triển khai nhằm thu hút hoạt động phát triển thương mại biên giới. Tiêu biểu, năm 2022 Sở Công Thương tổ chức tham gia 3 hội chợ thương mại biên giới tại các tỉnh Bắc Lào; tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Điện Biên năm 2022, mời các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự; tổ chức Phiên chợ thương mại biên giới tại huyện Nậm Pồ, Điện Biên năm 2023.
Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Điện Biên đến năm 2030; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh trong các hoạt động thương mại quốc tế; xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tính kết nối, gia tăng liên kết vùng, khu vực và quốc tế.
Đức Hải
Bình luận