Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 26/11/2024 21:11
TMO – Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng sẽ chuyển đổi một khu công nghiệp (KCN) theo mô hình KCN sinh thái.
Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt “Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp đến năm 2030”, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát sinh chất thải trong ngành công nghiệp, cả về số lượng và chất lượng.
Chương trình hướng tới việc giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường do các hoạt động công nghiệp, đồng thời đảm bảo các tiêu chí quản lý môi trường. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030".
Mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025 sẽ chuyển đổi 1 KCN theo mô hình KCN sinh thái đạt tiêu chí quốc gia. Đà Nẵng hiện có 6 KCN đang hoạt động. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch thêm 3 KCN (Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Nhơn, Hòa Ninh).
KCN Hòa Khánh là KCN đầu tiên ở Đà Nẵng tham gia dự án chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái từ năm 2015 và tiếp tục tham gia giai đoạn 2 vào năm 2019. Từ năm 2016-2020, dự án đã hỗ trợ 29 doanh nghiệp với 334 giải pháp sản xuất sạch hơn, giúp tiết kiệm 14 tỷ đồng/năm, giảm 50.000 m³ nước thải và hơn 5.000 tấn CO2/năm.
Tuy nhiên, đối chiếu với 5 nhóm tiêu chí về KCN sinh thái, hiện nay KCN Hòa Khánh còn chưa đáp ứng 2 tiêu chí. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp RECP còn thấp (chưa đến 20% doanh nghiệp sản xuất); trong đó thiếu nguồn tín dụng xanh là một trong các rào cản chủ yếu.
Công nhân làm việc trong môi trường thông thoáng ở Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Nam Trân
Việc phát triển mở rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp còn rất hạn chế; các mô hình thí điểm chưa thật sự bền vững. Việc tuần hoàn chất thải vẫn yêu cầu nhiều thủ tục pháp lý, khiến doanh nghiệp chưa có nhiều động lực thực hiện.
Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, hiện nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ rất hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất. Để đẩy nhanh chuyển đổi KCN sinh thái, cần khuyến khích xây dựng doanh nghiệp xanh, thúc đẩy tuần hoàn chất thải và giảm thủ tục hành chính.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc,… để tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình quản lý và vận hành; đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm; thực hiện cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi thành KCN sinh thái./.
“Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp đến năm 2030” của thành phố Đà Nẵng đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025 sẽ chuyển đổi 1 KCN theo mô hình KCN sinh thái. 100% khu, cụm công nghiệp tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 100% cơ sở công nghiệp lập thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14000. 100% cơ sở công nghiệp thực hiện thu gom, lưu trữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sản xuất, và chất thải nguy hại đạt chuẩn. Đạt tỷ lệ 30% cơ sở công nghiệp không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường cam kết thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất, đổi mới công nghệ, và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp. 100% cơ sở công nghiệp mới phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trước khi được cấp phép hoạt động. Giai đoạn 2026-2030 sẽ đảm bảo 100% cơ sở công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải, nước thải đều được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Duy trì các tiêu chí KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời mở rộng quy mô và chất lượng bảo vệ môi trường. |
Nam Trân
Bình luận