Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ sáu, 14/04/2023 05:04
TMO - Xăng dầu là nguồn năng lượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Theo đó, việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng dự trữ xăng dầu, cung ứng đồng bộ, ổn định góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Xăng dầu được coi là "mạch máu" của nền kinh tế, mặt hàng chiến lược tham gia vào hầu hết các lĩnh vực từ hoạt động sản xuất đến giao thông vận tải; từ hoạt động dịch vụ - thương mại đến đời sống dân sinh… Việc dự trữ xăng dầu và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng cho công tác này là vô cùng quan trọng, mang tính cấp thiết khi thời gian vừa qua, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu, nhiều doanh nghiệp thua lỗ “kêu cứu đã bộc lộ rõ những bất cập trong công tác điều hành nguồn cung thị trường xăng dầu.
Dự trữ xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, song hiện nay rất khó khăn. Đến nay, hệ thống kho dự trữ xăng dầu nước ta đã được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng lại chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Xăng dầu dự trữ vẫn phải gửi tại kho của doanh nghiệp với lượng thành phẩm chỉ khoảng 9 ngày nhập ròng. Tổng mức dự trữ xăng dầu gồm: lưu thông, sản xuất và dự trữ quốc gia khoảng 65 ngày nhập khẩu ròng.
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đặt ra mục tiêu cho các cơ sở lọc dầu là phải đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng… Theo đó, một trong những giải pháp có chính sách ưu tiên là đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng, kết nối khu vực.
Dự trữ xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 5 triệu xe ôtô, 42,8 triệu xe máy, khoảng 857.000 doanh nghiệp; chưa tính loại xe công trình, các loại phương tiện khác sử dụng xăng dầu… hệ thống tàu biển, các phương tiện thủy sử dụng xăng dầu rất lớn. Năm 2022, Nhà nước phải bỏ 9 tỷ USD để nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước khoảng 70%, để đạt mục tiêu kinh tế ở tầm cao hơn nữa đã đòi hỏi lượng xăng dầu cần được sản xuất, sử dụng, dự trữ lớn hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các nước trên thế giới quan tâm rất nhiều đến dự trữ dầu thô. Ví dụ Hoa Kỳ duy trì được khoảng 36 ngày dự trữ. Lượng dự trữ của Trung Quốc, Italia có thể từ 50 - 60 ngày. Trong khi đó, hiện nay, dự trữ xăng dầu chúng ta chỉ bảo đảm trong vòng một tuần. Mục tiêu đến năm 2025 nâng lên khoảng 15 ngày, năm 2030 khoảng 30 ngày. Như vậy, dự kiến mỗi một năm phải chi ra khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ.
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng dự kiến cao. Như vậy ngoài điện thì lượng nguyên liệu xăng dầu vẫn là chủ yếu. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, tính toán chiến lược về khâu sản xuất lẫn dự trữ.
Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt đã được đầu tư tương đối hiệu quả và cũng góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của xã hội cả trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động thị trường.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay theo thống kê, có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa. Theo đó, vai trò của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu khá quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Trong Quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội. Còn nguồn lực của ngân sách nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia.
Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) nêu 6 vai trò của hạ tầng dự trữ xăng dầu. Thứ nhất là góp phần cho giảm thiểu tối đa chi phí vận tải. Thứ hai bảo đảm chất lượng xăng dầu. Thứ ba là công tác cung ứng xăng dầu kịp thời và nhanh chóng. Thứ tư duy trì nguồn cung xăng dầu cho các đầu mối tiêu thụ. Thứ năm là chủ động và bình ổn giá khi thị trường dầu mỏ thế giới có sự biến động. Và cuối cùng là mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và lợi ích gián tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn có kho xăng dầu.
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, xăng dầu đã và vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, đối với mặt hàng lĩnh vực xăng dầu bên cạnh mục tiêu sớm chủ động trong khâu sản xuất trong nước thì cũng cần sớm chủ động cả trong khâu dự trữ để đáp ứng, đảm bảo cung cấp ổn định cho mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống.
Xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, dự trữ xăng dầu nước ta chỉ bảo đảm trong vòng một tuần. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nâng lên khoảng 15 ngày, năm 2030 khoảng 30 ngày, như vậy dự kiến mỗi một năm phải chi khoảng hơn 4.000 tỷ để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ. Bên cạnh đó, qua cuộc họp của Hội đồng Quốc gia vừa qua, để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần tới 270.000 tỷ, đây là con số rất lớn.
Liên quan đến các căn cứ pháp lý, để triển khai được các việc đảm bảo các nguồn cung, chúng ta phải rà soát lại các cái nghị quyết, các luật cũng như các quy định pháp lý khác. Để triển khai được tốt hơn, sắp tới sẽ có Nghị quyết để thay thế Nghị quyết 41 về chiến lược phát triển ngành dầu khí. Ngoài ra, cái luật ví dụ như Luật Dự trữ Quốc gia, các luật về thuế, luật chuyên ngành, nếu cần thiết, chúng ta cần phải có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho việc nhập khẩu rồi lưu trữ, phân phối xăng dầu và đáp ứng được nhu cầu phát triển của quốc gia.
Nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các cái chi phí khác liên quan. Theo đó, cần tập trung vào xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, trong đó phải có cả vai trò của Nhà nước và vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài Nhà nước Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp Quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội. Còn nguồn lực của ngân sách Nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia.
Theo ông Vũ Thành Nam, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, cần tiếp tục rà soát để có những chính sách phù hợp và tăng cường thông tin tuyên truyền trong xã hội về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm được năng lực, kinh nghiệm. (am hiểu dây chuyền công nghệ, có kinh nghiệm đầu tư xây dựng kho xăng dầu); bảo đảm năng lực tài chính để thực hiện dự án để đáp ứng được tiến độ và chất lượng công trình đã được phê duyệt. Đồng thời phải tăng cường rà soát các dự án đã và đang triển khi nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để dự án được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng công trình đã được phê duyệt đảm bảo yêu cầu dự trữ xăng dầu, an ninh quốc gia theo quy định.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP để cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cũng xác định có 5 nhóm giải pháp. Đó là hoàn thiện chính sách để tạo lập môi trường đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; mở rộng khả năng tham gia của khối khu vực kinh tế nhân để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng hơn; phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân; tiếp tục hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới và hiện đại hóa các nguồn nhân lực để nâng cao năng suất; và cuối cùng là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Dự thảo Quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công Thương đang trình để thẩm định, cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp để thu hút vốn đầu tư triển khai quy hoạch. Trong đó, đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kho dự trữ quốc gia. Đẩy mạnh tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư FDI và của các thành phần kinh tế khác. Các doanh nghiệp trước đây đã tham gia thì phải tái cấu trúc lại hệ thống để tiếp tục đầu tư. Đa dạng hóa các hình thức vay vốn. Thực hiện cái đẩy mạnh liên doanh, liên kết để thu hút vốn đầu tư về hạ tầng dự trữ. Khuyến khích các thành quyền kinh tế cùng tham gia đầu tư.
Đức Hải
Bình luận