Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 23/02/2025 19:02
Chủ nhật, 23/02/2025 12:02
TMO - Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Theo dự thảo, Nhà nước có chính sách ưu đãi về tài chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Cụ thể, theo dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Nhà nước ưu tiên đầu tư có trọng điểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước có chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Nhà nước có chính sách ưu đãi về tài chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, vận hành, khai thác hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trên phạm vi cả nước.
Cũng theo dự thảo, về phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế tham gia thực hiện chương trình này. Người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bậc đại học và sau đại học được Nhà nước trả chi phí đào tạo và được cấp học bổng nếu học ở trong nước và hỗ trợ chi phí đào tạo nếu học ở nước ngoài.
Nhà nước có chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đạt loại giỏi trở lên vào làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử của Nhà nước. Người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp.
Dự thảo cũng đề xuất hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bao gồm: Đầu tư thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ.
Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân. Thuê, cho thuê tài sản. Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn một số thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân. Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Ảnh minh họa).
Năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những thành tựu khoa học vĩ đại của nhân loại là khám phá ra “tia bức xạ” và tinh chế thành công các nguyên tố phóng xạ đầu tiên. Điều này đã mở ra kỷ nguyên của ứng dụng năng lượng nguyên tử, từ việc tạo ra nguồn năng lượng mới - năng lượng hạt nhân (điện hạt nhân, vũ khí hạt nhân) cho đến ứng dụng bức xạ phục vụ cuộc sống, tiêu biểu như trong các lĩnh vực y tế (điện quang, y học hạt nhân, xạ trị và sản xuất thuốc phóng xạ), công nghiệp (chiếu xạ, chụp ảnh phóng xạ, kỹ thuật đo mật độ, bề dày vật chất...), nông nghiệp (đột biến, tiệt sinh côn trùng gây hại, kích thích sinh trưởng...)
Nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm, chỉ đạo lĩnh vực này. Năm 2008, Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Lần đầu tiên ở nước ta có một đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về năng lượng nguyên tử, đặc biệt là về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân, tạo khung pháp lý để thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hạt nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực tham mưu hoàn thiện thể chế để Việt Nam tiếp tục phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân một cách an toàn, hiệu quả.
Xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhóm chính sách, bao gồm: Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương xây dựng và dự kiến sẽ ban hành Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân trong quý I-2025. Chương trình nghiên cứu này nhằm nâng cao năng lực nội tại trong nước, hướng tới quản lý, vận hành an toàn và hiệu quả, cũng như tiếp thu công nghệ phục vụ lâu dài các dự án điện hạt nhân.
Đồng thời, Bộ rà soát hiện trạng nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân; từ đó, đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý III-2025.
Thu Trang
Bình luận