Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 10:01
Thứ ba, 15/03/2022 11:03
TMO - Quy mô kinh tế biển (KTB) và vùng ven biển của Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Các ngành KTB chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, dư địa phát triển cho từng lĩnh vực KTB của Việt Nam còn khá rộng mở. Báo cáo KTB xanh do UNDP cùng với Tổng cục Biển và Hải đảo thực hiện đã chỉ ra rằng, Việt Nam có thể phát triển 6 lĩnh vực KTB theo hướng biển xanh. Theo đó, điện gió ngoài khơi của Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn cả về số lượng lẫn quy mô dự án. Đến năm 2019, công suất lắp đặt chiếm 0,18% công suất nguồn điện và chiếm 0,11% sản lượng điện của hệ thống điện Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến nghị một kịch bản bền vững cho Việt Nam là hướng đến đạt 10.000MW điện gió biển đến năm 2030, cung cấp khoảng gần 40 tỷ KWh, đáp ứng khoảng gần 8% tổng nhu cầu điện thương phẩm quốc gia. UNDP cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam sớm hoạch định được lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, tích hợp quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với quy hoạch sử dụng không gian biển.
Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Trong khi đó, ngành dầu khí có nhiều tiềm năng và đang có những cơ hội để nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh từ cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng. Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho ngành dầu khí, tiếp tục phát triển theo chiều sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số và hoàn thiện hệ thống quản trị.
Đối với ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, Việt Nam còn tiềm năng tự nhiên rất lớn để phát triển. Trữ lượng hải sản biển của Việt Nam đạt 5,42 triệu tấn, GDP hải sản hiện chiếm 72-89% tổng GDP của cả ngành thủy sản; 15-20% GDP nông, lâm, ngư nghiệp; 2,5-3,2% trong GDP toàn quốc.
Theo các kịch bản được xây dựng, Việt Nam cần tăng diện tích bảo tồn biển, giảm sản lượng khai thác thủy sản xuống mức bền vững tối ưu, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, từ 3,6 triệu tấn năm 2020 xuống 2,65 triệu tấn năm 2030. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển - sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề cá (cảng cá, khu neo đậu, cơ sở hạ tầng nuôi biển mở).
Trong số các ngành KTB, ngành Hàng hải (vận tải biển, cảng biển, công nghiệp đóng tàu) còn rất nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam hiện có 34 cảng biển, 278 bến cảng với 94km chiều dài cầu bến. Tổng khối lượng hàng hóa thông quan năm 2019 gồm 664 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 9,18%/năm. GDP của ngành Hàng hải đạt hơn 43.000 tỉ đồng năm 2019, bằng 0,7-1,0% GDP quốc gia.
Tiềm năng phát triển ngành Hàng hải là khá lớn, bởi nhu cầu vận tải biển tăng trưởng mạnh mẽ theo tăng trưởng và nhu cầu của nền kinh tế. Để phát triển bền vững ngành Hàng hải, UNDP khuyến nghị thúc đẩy phát triển vận tải biển, bao gồm cả vận tải nội địa, chú trọng vận tải container, dầu, dầu khí hóa lỏng. Dự kiến, giai đoạn 2020-2030, vận tải biển tăng trưởng 7,4%/năm.
Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng chiến lược mới phát triển đội tàu quốc gia theo hướng trẻ hóa, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về khí thải. Đồng thời, cần phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ hệ thống dịch vụ logistics sau cảng, đảm bảo năng lực thông qua 1,4 tỷ tấn hàng hóa. Ngoài ra, cần phát triển cảng biển thông minh, cảng xanh và cần có quy hoạch mới cho ngành công nghiệp đóng tàu.
Với ngành Du lịch biển, những năm gần đây, Việt Nam thu hút 35 triệu lượt du khách biển mỗi năm, đem lại doanh thu 508 nghìn tỷ đồng, GDP thuần đạt 184 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, ngành Du lịch biển giảm sút nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngành Du lịch cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; phát triển thị trường du lịch hài hòa, cân bằng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Việt Nam còn khá nhiều tiềm năng để phát triển ngành đa dạng sinh học. Biển Việt Nam có môi trường đặc trưng và đa dạng hệ sinh thái, có khoảng 20 hệ sinh thái bao gồm các hệ sinh thái biển, các hệ sinh thái vùng nước quanh các đảo ven bờ, đảo xa bờ, nhất là vùng nước, vùng đáy biển sâu (vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
Về trung hạn và dài hạn, cần nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo quản lý tốt tài nguyên biển, đồng thời, khuyến khích các hoạt động KTB dựa trên công nghệ thân thiện với môi trường. Mở rộng thêm các ngành như dược phẩm biển, năng lượng biển... Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động KTB, đặc biệt là hình thành đội ngũ chuyên gia về các vấn đề phát triển KTB xanh. Mở rộng hợp tác quốc tế trên biển. Xác định một số dự án đầu tư trọng điểm, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ xanh, năng lượng sạch...
Để phát triển bền vững, phát triển KTB xanh, Việt Nam cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển và phân định rõ các khu chức năng, nhất là các khu bảo tồn biển. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Cùng với đó, cần lượng hóa được các giá trị KTB (vốn tự nhiên biển) là đầu vào các ngành kinh tế làm căn cứ cho thực hiện KTB xanh. Ngoài ra, cần đổi mới công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, tăng cường khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển cũng như giám sát và cung cấp thông tin về tài nguyên môi trường biển.
Quốc Dũng
Bình luận