Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ ba, 10/10/2023 12:10
TMO - Thời gian qua, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp và hành lang thoát lũ. Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường xử lý những vi phạm trên.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có các công trình thủy lợi được cấp quản lý, khai thác, bao gồm: 1.245 trạm bơm, 68 hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, 10.465 km kênh mương, 840 km bờ bao thủy lợi. Trong đó: Các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trực tiếp khai thác: 286 trạm bơm, 08 hồ chứa nước, 2.236 km kênh mương, 335 km bờ bao. Các tổ chức thủy lợi cơ sở (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tổ hợp tác) trực tiếp khai thác: 959 trạm bơm, 1.144 máy bơm, 60 hồ chứa, 7.708 km kênh mương, 505 km bờ bao.
Đến đầu tháng 10/2023, các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi đã có báo cáo về tình hình vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn Hải Dương. Theo đó, kể từ khi Luật Thủy lợi có hiệu lực (ngày 1/7/2018) đến ngày 30/7/2023, toàn tỉnh đã phát hiện 2.024 vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đã xử lý 718 vụ, đạt tỷ lệ 35,47%, còn tồn tại 1.306 vụ. Thống kê của ngành chức năng về số vụ vi phạm trong phạm vi công trình thủy lợi trên địa bàn cho thấy: Năm 2022 có 231 vụ vi phạm và 7 tháng năm 2023 có 186 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu như xây dựng nhà ở, làm chuồng trại chăn nuôi, tường bao, cầu dân sinh, tập kết vật liệu, đổ đất, cát san lấp làm mặt bằng, xả nước thải.
Tỉnh Hải Dương triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. (Ảnh minh họa: MT).
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sau khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tăng cường trong công tác quản lý và xử lý vi phạm, kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm phát sinh năm 2023 so với năm 2018 (năm đầu thực hiện Luật Thủy lợi) giảm rõ rệt cả về số vụ và mức độ vi phạm. Tuy nhiên do hệ thống công trình thủy lợi có số lượng lớn, dàn trải trên diện rộng, đan xen với các làng mạc, khu dân cư..., nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp, dịch vụ...; vì vậy vi phạm công trình thủy lợi tuy đã được quan tâm xử lý nhưng số lượng các vụ vi phạm còn tồn tại vẫn ở mức cao; tỷ lệ vi phạm được giải tỏa xử lý đạt tỷ lệ thấp 35,3%.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền: Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham gia cùng với cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra 05 khu công nghiệp và trực tiếp chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), UBND các huyện, đơn vị có liên quan kiểm tra 24 cơ sở có nguồn thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với 03 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt 313 triệu đồng.
Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Công an tỉnh và các huyện, thành phố kiểm tra 24 trạm trộn bê tông, trong đó có 16 trạm trên địa bàn các huyện, thành phố có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải. Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động bến bãi ven sông và ven các kênh trục, sông nội đồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đối với 256 tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã rà soát thủ tục đất đai, môi trường của các bến bãi để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thẩm định 27 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 36 giấy phép môi trường.
Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và Công an 07 huyện, thành phố có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua mở 04 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường. Kết quả: đã rà soát, kiểm tra và thu mẫu nước thải của 240 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường; xử phạt vi phạm hành chính 120 trường hợp, với tổng số tiền là 3,598 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác tăng cường quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, sự chỉ đạo phối hợp giữa chính quyền địa phương và các tổ chức khai thác công trình thủy lợi còn hạn chế và thiếu đồng bộ; việc ngăn chặn kịp thời các vi phạm của tổ chức khai thác công trình thủy lợi chưa hiệu quả. Công trình thủy lợi nhiều nơi đi qua khu dân cư lâu đời, nhiều hộ gia đình có đất ở, nhà ở tồn tại từ lâu trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (đặc biệt là khu vực kênh trục Bắc Hưng Hải), nhu cầu cải tạo nâng cấp là chính đáng, nhưng Luật Thủy lợi quy định chỉ sửa chữa, không được mở rộng quy mô hoặc thay đổi kết cấu; Nhiều vị trí kênh chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi, công tác xác định hành vi vi phạm gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
UBND tỉnh tăng cường quản lý, xử lý nguồn xả thải từ các khu cụm công nghiệp, doanh nghiệp, làng nghề, dân cư, đô thị vào hệ thống Bắc Hưng Hải.
Thời gian tới, đối với các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước chủ yếu là do các hoạt động xả thải không đảm bảo quy định. Nguồn xả thải từ các khu vực thượng nguồn thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải chảy về, một số xả thải trực tiếp thuộc địa bàn các địa phương, đơn vị thuộc tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh tăng cường quản lý, xử lý nguồn xả thải đầu (nguồn xả từ sông Cầu Bây, nguồn xả từ các khu cụm công nghiệp, doanh nghiệp, làng nghề, dân cư, đô thị,...); Áp dụng giải pháp công trình và phi công trình để nâng cao mực nước cho hệ thống (đập dâng nước trên dòng chính thượng lưu; điều tiết nước phù hợp để kết hợp thau rửa hệ thống,...); Xử lý công trình hiện có trước ngày 01/7/2018 trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Điều 48 Luật Thủy lợi, trong đó rà soát xác định các công trình không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi phải thực hiện các giải pháp khắc phục; trường hợp không thể khắc phục phải dỡ bỏ hoặc di dời;
Đối với các loại hình vi phạm khác (xây dựng công trình, làm chuồng trại, san lấp mặt bằng,…trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi): UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện và doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác giải tỏa, xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định. Xử lý công trình hiện có trước ngày 01/7/2018 trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Điều 48 Luật Thủy lợi, trong đó rà soát xác định các công trình không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi phải thực hiện các giải pháp khắc phục; trường hợp không thể khắc phục phải dỡ bỏ hoặc di dời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện và các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về: hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng của các hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi. Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm quy định của giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi. Có ý kiến về hoạt động xả nước thải vào công trình thủy. Sở TN&MT phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu, xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất trái quy định trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Các doanh nghiêp khai thác công trình thuỷ lợi có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ công trình thuỷ lợi được phân cấp quản lý, khai thác. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, kịp thời các vi phạm phát sinh, chủ động áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, lập biên bản, thông báo, kiến nghị và phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, cấp huyện để tăng cường ngăn chặn, xử lý vi phạm theo quy định (xử phạt hành chính, khắc phục hậu quả); thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đối tượng vi phạm và UBND cấp huyện, cấp xã trong quá trình xử lý vi phạm; Thực hiện chế độ tổng hợp, báo cáo công tác bảo vệ, quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật.
Lê An
Bình luận