Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ ba, 02/08/2022 08:08
TMO - Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai đang tăng cường ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, giám sát tài nguyên rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại về rừng như mùa khô hanh trùng hợp với thời điểm đốt nương làm rẫy của người dân. Những năm qua, công tác phòng chống cháy rừng tại địa phương còn nhiều hạn chế do địa hình tương đối phức tạp, khó triển khai các phương tiện, thiết bị hiện đại như máy bơm, xe cứu hoả… để chữa cháy rừng.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng gặp khó khăn trong quá trình đo đạc, xác định diện tích rừng bị thiệt hại do số vụ có dấu hiệu tội phạm hình sự khá lớn, diện tích lớn, hiện trường xa xôi, đi lại không thuận lợi... Hoạt động kiểm lâm cơ sở ở một số nơi còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện chưa đáp ứng với nhiệm vụ được giao, chưa đủ biện pháp mạnh để trấn áp lâm tặc.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, bảo vệ, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2023.
Theo đó, đề án tập trung xây dựng và triển khai hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát hiện trạng rừng, cảnh báo nguy cơ mất rừng, cháy rừng; triển khai các giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng; thiết lập phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, giám sát lửa rừng, mất rừng, thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp bằng công nghệ 4.0; tổ chức phát hiện sớm và thông báo kịp thời điểm cháy rừng thông qua tăng cường ứng dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin, ảnh chụp từ các thiết bị bay không người lái, ảnh viễn thám.
Cùng với đó là hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin phục vụ triển khai hệ thống phần mềm phát hiện sớm về mất rừng, cảnh báo mất rừng, cháy rừng, điều hành chữa cháy rừng. Một số thiết bị chính như: Máy chủ, UPS cho máy chủ, máy tính để bàn, bộ lưu điện dự phòng cho máy trạm, máy tính xách tay, máy tính bảng tích hợp GPS, bộ chuyển mạch Switch Aten, tường lửa bảo mật, USB 4G 5G, thiết bị quan sát đa kênh cầm tay...
Ảnh minh họa
Tại Gia Lai, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã chú trọng ứng dụng công nghệ số phục vụ cập nhật, xây dựng bản đồ chi trả, kiểm tra, giám sát diện tích rừng cung ứng trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đến nay, đã có 41/41 đơn vị có thực hiện khoán bảo vệ rừng đã thiết lập quan hệ với các ngân hàng thông qua hợp đồng để chi trả tiền DVMTR cho người dân và thực hiện mở 1.896 tài khoản (đạt 100%).
Trong đó có 412 tài khoản chung cho nhóm hộ, cộng đồng và 1.484 tài khoản cá nhân. Việc chi trả này nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân nhận khoán bảo vệ rừng nhờ những tiện ích như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và giảm thiểu rủi ro trong chi trả.
Hiện nay, các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên ứng dụng các phần mềm như: “tọa độ vn”, “mapTiler”, “Locus map pro” để theo dõi, cập nhật diễn biến rừng định kỳ; đồng thời hướng dẫn sử dụng, phổ biến đến từng cán bộ, viên chức. Ngoài ra, đơn vị còn sử dụng phần mềm “Gia Lai FFW” về cảnh báo cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhằm góp phần hiệu quả trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu những thiệt hại gây ra.
Việc ứng dụng bản đồ số, ảnh vệ tinh để theo dõi diễn biến rừng, cập nhật thông tin về phá rừng, cháy rừng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát diện tích rừng cung ứng DVMTR; hỗ trợ xây dựng bản đồ chi trả của đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, việc số hóa trong công tác quản lý cũng như công tác chuyên môn đã góp phần giúp đơn vị tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí, đảm bảo khoa học, hiệu quả, đồng bộ, chính xác cao. Đây cũng là cơ sở điều chỉnh lại diện tích rừng thực tế và dự toán thu chi tiền DVMTR theo quy định.
Bích Ngọc
Bình luận