Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ hai, 10/10/2022 20:10
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội nhấn mạnh, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Tại Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, đối với chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Thủ đô, thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, sinh vật chất lượng cao, có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn gen bản địa quý hiếm của Thành phố. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến tiêu dùng theo hướng bền vững; các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Xác định rõ phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn thành phố đã phát triển được 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Thành phố đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sẵn và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp và tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng...
TP Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: TTX
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, sản xuất giống lúa; có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản.
Các HTX cũng đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại cơ sở, số HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là 95 HTX trồng trọt, 3 HTX chăn nuôi và 24 HTX thủy sản, chiếm 76,25% số cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần tập trung vào nhóm giải pháp thúc đẩy phá triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực nông thôn, như: Giải pháp chiếu sáng cho cây rau, hoa để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trồng trọt chăn nuôi; giải pháp chiếu sáng thông minh, ứng dụng IOT kết nối vạn vật cho vùng nông thôn Hà Nội; chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn Hà Nội…
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đạt từ 45% trở lên; chăn nuôi đạt từ 80%; thủy sản đạt từ 60% trở lên.
Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ hình thành và duy trì phát triển ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số tiểu vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp của thành phố. Đồng thời, hỗ trợ thí điểm 10 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số phát triển sản phẩm OCOP năm 2022; hỗ trợ hình thành, duy trì phát triển 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thanh Tâm
Bình luận