Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 23:01
Thứ bảy, 22/07/2023 06:07
TMO - Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây còn là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 (khẳng định lại tại COP27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia.
Việt Nam đã quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả từ rất sớm, từ năm 2003 đã có Nghị định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đến năm 2010 đã có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kèm theo đó là những Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (Chương trình VNEEP).
Với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, giải pháp tiết kiệm năng lượng trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi.
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 9,71% trong giai đoạn 2010 - 2021.
Theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình như việc thiếu điện tại miền Bắc trong tháng 6 vừa qua.
Ngành Công Thương các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang triển khai các nhiệm vụ của Chương trình VNEEP từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tại Trung ương. Ngoài ra, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương cũng bố trí các nguồn vốn địa phương để thúc đẩy các cái giải pháp, hoạt động và tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương.
Những giải pháp đang thực hiện ở trong khuôn khổ của Chương trình VNEEP bao gồm: Tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; Xây dựng các mô hình quản lý năng lượng và hỗ trợ kiểm toán năng lượng... thông qua đó giúp doanh nghiệp nhận định được các khâu sử dụng năng lượng chưa hiệu quả và đánh giá về cơ hội, khả năng để đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang triển khai những dự án ODA do các tổ chức quốc tế và các nước phát triển tài trợ. Một trong những dự án ODA đang được Bộ Công Thương triển khai là Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam (Dự án VSUEE), dự án này do Quỹ khí hậu xanh tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới. Trong dự án VSUEE, ngân hàng thế giới được giao quản lý Quỹ chia sẻ rủi ro với kinh phí là 75 triệu USD, thông qua quỹ này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng theo hình thức bảo lãnh vốn vay lên đến 50%.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai, Hà Nội đã sớm ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn cũng như Kế hoạch tiết kiệm điện cho cho từng giai đoạn. Trong đó, tập trung giảm bớt sử dụng điện vào giờ cao điểm để đảm bảo ổn định cấp điện, đồng thời xây dựng chương trình tập huấn về các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là những giải pháp quan trọng hàng đầu của địa phương.
Năm 2023, Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh, phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, dân sinh và thương mại, Thành phố khuyến khích và hướng tới áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng công nghệ sạch, công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp. Thành phố đang triển khai dự án hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng, đo lường và xác nhận kết quả triển khai chương trình tiết kiệm điện; hỗ trợ và kết nối nguồn lực đầu tư, tài chính xanh để phát triển năng lượng xanh cho TP.HCM.
Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam nhấn mạnh đến các giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc tổ chức các Giải thưởng Hiệu quả năng lượng thường niên. Các giải thưởng nhằm thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao.
Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và trong các công trình xây dựng, từ đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; đến hết năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện
Kiều Hiếu
Bình luận