Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Chủ nhật, 12/06/2022 12:06
TMO - Vừa qua, tại Hà Nội Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) phối hợp với tổ chức Four Paws tại Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật”, thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại toạ đàm các chuyên gia đã cho rằng: cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) phát biểu tại toạ đàm
Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc CCD cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, đó là nhận thức của người dân, của xã hội trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Qua đó, chấm dứt hoạt động săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ nội dung buôn bán động vật hoang dã, môi trường... tại tọa đàm
Theo thống kê, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái...
Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (tổ chức Four Paws Việt) chia sẻ tại toạ đàm
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, để hoạt động truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật phát huy được hiệu quả cần thực hiện thường xuyên, lâu dài với bằng nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; biên soạn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, pano, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu.
Trưng bày, triển lãm; hội thảo khoa học; xây dựng các bộ phim tuyên truyền; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc kết hợp các nội dung tuyên truyền về động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm vào các hoạt động cộng đồng...
Các chuyên gia, nhà báo thảo luận tại toạ đàm Truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về các mô hình hay, cách làm tốt, các tấm gương về bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm ở địa phương, khuyến khích, động viên người dân tham gia phát hiện, ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Qua đó, thực hiện vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen trong cuộc sống hằng ngày góp phần giảm thiểu tiến tới chấm dứt săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; tạo dư luận xã hội ủng hộ, lên án, tẩy chay hành vi này.
Đại Lộc
Bình luận