Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ tư, 18/05/2022 13:05
TMO - Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp như: giao khoán bảo vệ rừng; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng... trong đó, giải pháp trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sâu đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Yên Bái có trên 480.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Với việc triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong khai thác, phát triển nguồn tài nguyên này đã giúp tỉnh Yên Bái luôn duy trì độ che phủ rừng đạt 63% trở lên đứng thứ tư cả nước với sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt gần 700.000 m3.
Đến nay, Yên Bái từng bước hình thành các cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chế biến lâm sản, công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh Yên Bái xác định quế là cây trồng lâm nghiệp chủ lực, đẩy mạnh chế biến sâu
Theo kế hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp, Yên Bái xác định quế là cây trồng lâm nghiệp chủ lực, mũi nhọn có giá trị kinh tế cao và ổn định. Yên Bái là tỉnh có diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước với 80 nghìn ha quế tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh.
Những năm gần đây, mô hình liên kết giữa người dân với doanh nghiệp chế biến phát huy hiệu quả kinh tế cao, phần lớn đất rừng sản xuất được chuyển sang trồng quế với sự hỗ trợ giống, phân bón từ doanh nghiệp và được thu mua sản phẩm theo giá thị trường.
Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn sử dụng công nghệ lò hơi để trưng cất tinh dầu, với tổng công suất 1.000 tấn tinh dầu mỗi năm và hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình với công suất hơn 200 tấn một năm.
Giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị đối các dự án sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng mỗi dự án. Nhờ cơ chế sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu vào địa bàn tỉnh , giờ đây quế được chế biến thành tinh dầu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm có giá trị kinh tế cao.
Chế biến gỗ rừng trồng thành các sản phẩm ván ép xuất khẩu
Với nhiều chính sách phát triển cây dược liệu, Yên Bái đã phát triển được một số vùng cây dược liệu lớn như vùng quế hơn 80 nghìn ha, sơn tra 10 nghìn ha, thảo quả 1.300 ha, có hơn 3.400 ha cây dược liệu cho sản lượng khai thác hằng năm đạt hơn 7.600 tấn sản phẩm.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, hiện nay phần lớn người dân vùng miền núi đã sống được bằng nghề trồng rừng nguyên liệu nhờ giá trị rừng được nâng cao. Từ đó, không còn tình trạng đất rừng sản xuất bị bỏ hoang hóa, năng suất và chất lượng rừng được cải thiện đáng kể nhờ đa dạng hóa cây trồng, tận dụng tối đa tầng tán và thâm canh chất lượng cao trên một đơn vị diện tích.
Việc đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sâu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trồng rừng tại Yên Bái đã góp phần duy trì vững chắc độ che phủ rừng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ chế biến và nâng cao giá trị kinh tế lâm sản, nhằm hướng tới mục tiêu sớm đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc trong thời gian tới.
Minh Khánh
Bình luận