Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ sáu, 19/01/2024 04:01
TMO - Sau 3 năm thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, đạt trên 121% kế hoạch đề ra.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn... Đây là cơ sở xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án trồng rừng, trồng cây xanh hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án. Các địa phương đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch tiến tới trồng gần 1,1 tỷ cây xanh. Trong đó, trồng mới rừng tập trung gần 470 triệu cây xanh; gần 600 triệu cây phân tán. Các Bộ, ngành tích cực tuyên truyền, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Đối tượng trồng bao gồm các loài cây thân gỗ, cây lâu năm, cây đa mục tiêu, ưu tiên các loài cây bản địa được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác...
Các địa phương đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch tiến tới trồng gần 1,1 tỷ cây xanh.
Nhiều Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào trồng cây xanh với cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng rừng và trồng cây xanh. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng hưởng ứng Đề án Một tỷ cây xanh, xây dựng các chương trình, quỹ để kêu gọi và tiếp nhận nguồn tiền đóng góp từ cán bộ công nhân viên trong công ty và trích từ quỹ phúc lợi của công ty để thực hiện.
Theo báo cáo của Cục Lâm Nghiệp, trong 3 năm, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã huy động gần 9,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngân sách Nhà nước gần 2,3 nghìn tỷ đồng thực hiện thông qua lồng ghép các chương trình đầu tư công. Nguồn vốn xã hội hóa trên 4,1 nghìn tỷ đồng từ đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế. Phần còn lại là vốn ODA và nguồn vốn khác. Một số tỉnh thực hiện Đề án đạt kết quả cao như: Lào Cai trồng 61 triệu cây, Phú Thọ trồng 52 triệu cây, Long An trồng 45 triệu cây, Gia Lai trồng 37 triệu cây, Nghệ An trồng 34 triệu cây.
Cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 42%; diện tích rừng có chứng chỉ ước đạt 465.000 ha/500.000ha; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14,3 tỷ USD, giá trị xuất siêu hơn 12,2 tỷ USD. Công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục có chuyển biến tích cực, các địa phương, doanh nghiệp và người dân quan tâm thực hiện tốt xã hội hóa các nguồn lực vào bảo vệ, phát triển rừng, phục hồi rừng, phát triển du lịch sinh thái, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Năm 2023 đánh một dấu mốc rất quan trọng khi Việt Nam chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng). Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD (tương ứng với 80%) và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Đây là nguồn tài chính quan trọng, bền vững để đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển tài.
Giai đoạn từ năm 2024 - 2025, Đề án tiếp tục trồng trên 492 triệu cây xanh.
Giai đoạn từ năm 2024 - 2025, Đề án tiếp tục trồng trên 492 triệu cây xanh; trong đó có trên 275 triệu cây và 98.210 ha rừng trồng tương đương với hơn 216 triệu cây. Tại Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận kết quả đạt được, khó khăn hạn chế và giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án thời gian tới.
Theo Cục Lâm nghiệp, Đề án còn những khó khăn hạn chế như: Quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp, vốn đầu tư phân bổ cho phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu, mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn; diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị đặt ra.
Tại tỉnh Quảng Trị, thực hiện Đề án tỉnh đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; lựa chọn ưu tiên các loài cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng và huy động nhiều nguồn lực để cả tỉnh trồng được trên 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; trong đó trồng 10,7 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn, trồng 4,3 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án, Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện, tiến hành trồng bổ sung tại các khu vực có cây trồng bị thiệt hại, tại các diện tích còn trống cây xanh, theo đúng kế hoạch đã phê duyệt. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết lợi ích và tham gia hưởng ứng trồng cây xanh. Quá trình thực hiện phải linh hoạt, chủ động, lựa chọn các loại cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, khu vực.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổng hợp, xử lý các kiến nghị của các địa phương, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền, tài liệu hóa kinh nghiệm đã thực hiện để có kế hoạch huy động nguồn lực, tuyên truyền, phổ biến hiệu quả. Các tổ chức, các cá nhân trong nước và quốc tế, tiếp tục quan tâm hỗ trợ để thực hiện chương trình... nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đặt ra. Bên cạnh việc hình thành nếp sống thân thiện với thiên nhiên, hoạt động trồng cây gây rừng theo Đề án 1 tỷ cây xanh cũng góp phần triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, COP27, góp phần vào mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong 5 lĩnh vực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, lâm nghiệp là ngành duy nhất phát thải âm – do khả năng hấp thụ CO2 khổng lồ, vượt xa lượng phát thải. Đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất dự kiến sẽ giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon so với kịch bản phát triển thông thường, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ. Đến năm 2050, lượng phát thải sẽ giảm 90%, lượng hấp thụ các-bon tăng 30%, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ.
Quá trình bảo vệ và phát triển rừng cũng sẽ tạo ra tín chỉ các-bon rừng và giúp tăng thêm nguồn tài chính, quay lại đầu tư cho các hoạt động này. Luật Lâm nghiệp đã đưa tín chỉ các-bon rừng trở thành một loại dịch vụ môi trường rừng và hiện nay, Việt Nam đã thực hiện một số hoạt động trao đổi, chuyển đổi kết quả giảm phát thải cho các tổ chức trên thế giới. Các hoạt động đều đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và thông lệ quốc tế, góp phần phát triển nguồn thu tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng...
Thu Trang
Bình luận