Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Chủ nhật, 12/06/2022 05:06
TMO - Nhằm tạo khả năng cạnh tranh và tính bền vững cho ngành nông nghiệp thực phẩm của khu vực Tây Nguyên, qua đó vận dụng đổi mới sáng tạo, các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng vừa cùng ra mắt Diễn đàn Đổi mới sáng tạo cụm khu vực.
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo cụm khu vực Tây Nguyên là một sáng kiến của chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia. Thông qua đối tác địa phương là Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC).
Aus4Innovation đang triển khai thiết lập một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, chính phủ, nông dân và hiệp hội địa phương nhằm tập hợp và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức và cơ hội đối với các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm của khu vực.
Theo các chuyên gia, nông nghiệp khu vực Tây Nguyên có nhiều lợi thế nhưng chưa phát triển logistics, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến thấp nên lợi nhuận chưa cao.
Tại báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu hecta đất đỏ bazan. Lợi thế này giúp vùng sẽ trở thành trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước. Tuy nhiên, nông nghiệp Tây Nguyên vẫn luôn gặp những bất lợi về được mùa, mất giá vì chưa chủ động được trong chế biến, thị trường.
Sản xuất nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, bảo quản nông sản. Ảnh: Vũ Long
Mặc dù sản lượng nông nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại, có chất lượng cao nhưng giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản còn nhiều hạn chế. Vì thế diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên mang đến những giải pháp mới sáng tạo, thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương.
Tây Nguyên không chỉ có lợi thế về cà phê, cao su, hồ tiêu mà còn chiếm 20% diện tích trồng rau củ quả của cả nước. Tuy nhiên, sản lượng rau củ quả chỉ chiếm 10% vì hiện nay chỉ có 8 nhà máy chế biến so với 160 nhà máy trên cả nước. Trong 8 nhà máy chế biến rau củ quả, đến nay chỉ 1 nhà máy đạt tiêu chuẩn cao.
Để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, các địa phương cần đẩy nhanh quy hoạch lại cây trồng. Đồng thời, các tỉnh phải có hàng rào khoa học kỹ thuật đối với nông sản để phát triển. Cần phải đưa khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp để giảm sức lao động con người, tăng lợi nhuận khi sản phẩm ra thị trường.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến được chính phủ xác định là chìa khóa giúp tăng khả năng chống chịu và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Vì vậy, Thứ trưởng hy vọng các tỉnh Tây Nguyên có thể tận dụng tốt sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia và tạo nên một điển hình về diễn đàn cụm khu vực, nơi tạo ra các ý tưởng sáng tạo và giải pháp hữu ích cho những thách thức chung, đồng thời nâng cao năng suất và giá trị của các sản phẩm nông sản.
Aus4Innovation (2018-2022) là chương trình hỗ trợ có ngân sách 14,5 triệu AUD do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, quản lý bởi cơ quan khoa học quốc gia CSIRO với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chương trình nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho các cơ hội liên quan đến công nghiệp 4.0, hình thành chương trình phát triển về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Phạm Khoa
Bình luận