Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ năm, 20/04/2023 12:04
TMO - Tỉnh Bình Thuận xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân ở các xã biên giới.
Toàn tỉnh Bình Thuận có trên 288.564 ha rừng tự nhiên và hơn 47.568 ha rừng trồng, độ che phủ rừng tới 43%. Bên cạnh đó, với sự đa dạng khác biệt về khí hậu và địa hình của tỉnh này đã tạo nên nhiều kiểu trạng thái rừng như: rừng khộp, rừng gỗ lá rộng thường xanh, rừng gỗ lá kim, rừng tre nứa, rừng hỗn giao gỗ, tre, nứa… lợi thế này tạo thuận lợi để Bình Thuận để phát triển cây dược liệu.
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 192 ha cây dược liệu. Dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như: xáo tam phân, thiên niên kiện, mật nhân, huyết rồng, nấm lim xanh, thầy thím, khoai mài (hoài sơn), sâm bố chính (hồng sâm)…được phân bố theo từng tiểu vùng khí hậu khác nhau trên địa bàn.
Tại huyện Bắc Bình, cây bạc hà được các địa phương mở rộng diện tích.
Trong đó, tại huyện Hàm Thuận Nam có sự phân bố nhiều loài nấm linh chi; khu vực huyện Bắc Bình và Tuy Phong có sự phân bố như sâm bố chính, ba kích, cốt toái bổ, xáo tam phân, mật nhân và bụt giấm. Còn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông (Tánh Linh) có củ mài gừng, thổ phục linh, cốt toái bổ, lan kim tuyến và khu vực rừng huyện Đức Linh có trà hoa vàng quý hiếm…
Giai đoạn hiện nay, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 05 – NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, đó là khuyến khích phát triển cây dược liệu, phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận.
Theo đó, mục tiêu của các mô hình là nâng cao nhận thức của người dân địa phương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ cho người dân. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu Triển khai nội dung này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp đang xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Năm 2022, Sở NN&PTNT Bình Thuận đã giao Chi cục Kiểm lâm phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với phát triển, bảo vệ rừng, với tổng kinh phí thực hiện 650 triệu đồng. Các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng có quy mô diện tích là 0,8 ha, gồm 0,4 ha Sâm bố chính; 0,2 ha Khoai mài; 0,2 ha Nấm linh chi.
Nấm linh chi đỏ được trồng dưới tán rừng tại huyện Hàm Thuận Nam.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay cây Sâm bố chính sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90% sau 01 tháng trồng và đạt 85% sau 6 tháng trồng; cây Khoai mài sinh trưởng, phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt 95% sau 01 tháng trồng và 90% sau 6 tháng trồng; nấm Linh chi phát triển khá tốt, đạt tỷ lệ sống 90% sau 01 tháng trồng và đạt 85% sau 6 tháng trồng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề xuất, để phát triển được ngành dược liệu của tỉnh cần hình thành được ngành hàng hóa dược liệu. Phát triển cây dược liệu phải giải quyết triệt để, vững chắc vấn đề thu mua, chế biến, tiêu thụ nguyên liệu. Bên cạnh, công tác lập quy hoạch cần phải xác định được loại cây dược liệu chính để quy hoạch phát triển. Phải xây dựng được chuỗi sản xuất, tiêu thụ, chế biến cây dược liệu bền vững, áp dụng hiệu quả vào thực tế đời sống kinh tế của người dân…
Bên cạnh đó, cần xác định được các tiêu chí để xây dựng vùng phát triển dược liệu hàng hóa tập trung, chuyên canh, chất lượng dược liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành dược liệu một cách đột phá, đi vào thực tế đời sống sản xuất. Tạo lợi thế so sánh giữa cây dược liệu và cây trồng phổ biến khác trên một đơn vị diện tích đất đai. Qua đó, để có cơ sở quy hoạch, khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia theo hướng có lợi nhuận cao, chi phí thấp, lợi ích môi trường. UBND các xã, thị, thành phố trong tỉnh cần khẩn trương rà soát các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu tại địa phương chuẩn bị tốt cho việc đăng ký xuất khẩu dược liệu.
Nguyễn Hằng
Bình luận