Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Chủ nhật, 09/07/2023 06:07
TMO - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đang đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho cấp huyện được quyết định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng…
Tại Hà Nội, UBND thành phố ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên để giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND cấp huyện có trách nhiệm, thực hiện quyền, nhiệm vụ đã được UBND thành phố ủy quyền và theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố trong phạm vi quyền, nhiệm vụ được ủy quyền; không được ủy quyền lại cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền, nhiệm vụ đã được ủy quyền tại quyết định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền giải quyết, UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền; chỉ đạo các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Kế hoạch và phòng, ban có liên quan rà soát, tham mưu, báo cáo UBND cấp huyện triển khai nội dung được UBND thành phố ủy quyền theo quy định pháp luật.
Trên cơ sở Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được thành lập theo Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 30-9-2022 của UBND thành phố, thực hiện bổ sung quyền, nhiệm vụ được ủy quyền tại quyết định trên; rà soát thành viên Hội đồng và các nội dung khác có liên quan (nếu có) để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
UBND thành phố cũng tiếp tục ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng thuộc đô thị, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có lợi thế, khả năng sinh lợi.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đang đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho cấp huyện được quyết định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (Ảnh minh họa).
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định giá đất cụ thể trong các trường hợp sau: Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; Thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện giao đất theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Lào Cai cũng được quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá đất. UBND cấp huyện, thị xã, thành phố cũng được giao nhiệm vụ tổ chức điều tra, khảo sát, xây dựng phương án giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các dự án được thực hiện trên địa bàn từ 2 huyện, thị xã, thành phố trở lên thì UBND huyện, thị xã, thành phố giáp ranh thống nhất về mức giá dự kiến ban hành tại khu vực giáp ranh trước khi phê duyệt. Trường hợp không thống nhất được thì cần gửi dự thảo phương án giá đất về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định, nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai. Bộ TN&MT cho biết, vềquy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, pháp luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Quy hoạch) quy định Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định phân cấp cho Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia (Điều 72) để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội quyết định. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, dự thảo Luật quy định, các thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất, mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất (Khoản 5, Điều 65).
Địa phương nào đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch và phải lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026-2030 (Khoản 2, Điều 241). Quy định này nhằm tránh chồng chéo trong công tác quy hoạch đất đai với quy hoạch đô thị, hạn chế lãng phí, tốn kém trong công tác quy hoạch, mà vẫn bảo đảm thực hiện được các yêu cầu của quản lý nhà nước. Ngoài ra, dự thảo Luật bỏ quy định về kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh vì đã được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh (Điều 68).
Về giá đất, dự thảo Luật bỏ quy định về Chính phủ ban hành Khung giá đất, giao thẩm quyền cho các địa phương ban hành Bảng giá đất. Mở rộng các trường hợp áp dụng Bảng giá đất để đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đối với một số trường hợp phải xác định giá đất. Phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Đặc biệt, dự thảo Luật cũng quy định để bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất như: Bỏ quy định về đất khu kinh tế để người sử dụng đất trong khu kinh tế được Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định thống nhất của Luật Đất đai.
Mạnh Cường
Bình luận