Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ hai, 23/10/2023 08:10
TMO - Sau 5 lần đánh giá, quan trắc, nền đường đoạn thí điểm lấy cát biển làm vật liệu đắp đều ổn định, chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nếu kết quả nghiên cứu thí điểm thành công, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đây sẽ là nguồn vật liệu cho các dự án trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Bộ Xây dựng cho biết, vật liệu xây dựng cát biển, cát nghiền đã được sử dụng ở nhiều nước như Anh, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt ở Nhật Bản tỷ lệ cát biển sử dụng làm cốt liệu bê tông ở Nhật Bản chiếm 30% lượng cát xây dựng, vùng ven biển lượng cát chiếm tới 91,5%. Với thông tin về tiềm năng sử dụng của cát biển như vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có nghiên cứu về sử dụng cát biển nhằm mục đích thay thế cát sông trong xây dựng công trình.
Để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long". Kết quả thực hiện dự án sẽ làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp.
Kết quả thử nghiệm cho thấy nền đắp đường bằng nguồn vật liệu cát biển ổn định. Ảnh: VH.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; đã tổ chức thi công thử nghiệm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả Đường tỉnh 978 thuộc Dự án Cao tốc Hậu Giang-Cà Mau (nguồn cát biển được khai thác tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), hiện đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 8/2023, đang trong quá trình quan trắc, đánh giá. Ngoài ra, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác xây dựng định mức khai thác, vận chuyển và thi công cát biển làm vật liệu đắp nền đường, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan làm cơ sở áp dụng.
Đến nay, qua kết quả thí nghiệm, quan trắc, đánh giá (đã thực hiện được 5 kỳ) cho thấy nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường của nước mặt, nước ngầm, các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công. Để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm, Bộ GTVT đã tổ chức làm việc trực tiếp với các chuyên gia tập đoàn Boskalis Hà Lan để cung cấp các thông tin và kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Các chuyên gia Tập đoàn Boskalis đã chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng cát biển tại các dự án xây dựng công trình giao thông tại Hà Lan và đã cung cấp các thông tin có liên quan (tên dự án, thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ thi công, công nghệ khai thác cát biển, các yêu cầu về môi trường, độ mặn cát biển...) để tham khảo.
Bên cạnh cát biển thì các vật liệu khác nhằm thay thế một phần cát sông trong xây dựng công trình giao thông cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải tích cực nghiên cứu và triển khai như: Công nghệ cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa tại chỗ, cào bóc tái chế nóng bê tông nhựa tại trạm trộn, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu và triển khai đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện…làm vật liệu xây dựng và san lấp.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nghiên cứu sử dụng cát biển đắp nền đường, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu các vật liệu mới thân thiện với môi trường, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để đẩy nhanh việc áp dụng cho các công trình dự án tại khu vực này. Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu cho các dự án trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp thi công cao tốc vào cuối năm 2023.
Trước đó, báo cáo tiến độ triển khai công tác thí điểm lấy cát biển làm vật liệu thi công nền đường, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các quy trình thủ tục đang được các bên liên quan rốt ráo triển khai, dự kiến nếu thuận lợi, đến trung tuần tháng 12-2023, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét, đánh giá kết quả thí điểm cát biển làm vật liệu thi công hạ tầng giao thông một cách toàn diện.
Trên thực tế, ngay từ khi ý tưởng sử dụng cát biển làm vật liệu làm cao tốc mới xuất hiện đã nổ ra nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau trong dư luận cũng như giới chuyên môn. Nhiều người cho rằng, nếu cát biển có thể dùng làm vật liệu làm cao tốc thì đây sẽ là giải pháp hiệu quả và có tính khả thi cao. Đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cát sông và các vật liệu đắp nền khác phục vụ những dự án cao tốc đang ngày một khan hiếm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến bày tỏ lo ngại về tác động không tốt về môi trường cũng như hệ sinh thái, địa chất.
Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay có nhu cầu về vật liệu xây dựng rất cao, đặc biệt nhu cầu cát san lấp phục vụ các dự án làm đường cao tốc. Trong khi đó, nguồn cát sông trong khu vực chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu này. Theo các chuyên gia, việc đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm nghiên cứu, khai thác sử dụng nguồn cát đáy biển thay thế dần cát xây dựng trên đất liền là giải pháp hợp lý và có tính khả thi cao.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc khai thác sử dụng cát biển trong xây dựng hạ tầng là xu hướng tất yếu và hiện nay đã khoanh định được 9 vùng biển có tiềm năng khai thác với trữ lượng khoảng 196 tỷ m3. Đây là nguồn vật liệu lớn có thể giải quyết những vấn đề sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc lấy cát biển làm cao tốc cần phải được nghiên cứu thật kỹ, bởi cát biển vốn không tự sinh ra mà do sông mang lại. Bởi vậy, việc khai thác nguồn cát biển có thể dẫn đến nguy cơ ngăn chặn quá trình kiến tạo đồng bằng.
PV
Bình luận