Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ ba, 08/11/2022 02:11
TMO - Sâm Lai Châu được đánh giá là nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh tương đương nhau, khoảng 20%. Từ thực tế này, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, các giải pháp công nghệ nhằm bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu này.
Là địa phương rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dưới tán rừng, Lai Châu với đặc điểm địa hình núi cao trên 1.000m phân bố ở nhiều nơi, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới và là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Lai Châu đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn cho thấy, trung bình 1ha sẽ trồng được khoảng 25.000 cây sâm Lai Châu, sau 5 năm sẽ thu hoạch khoảng 800kg sâm tươi. Hiện nay, trên thị trường, củ sâm từ 5-6 năm tuổi, trọng lượng khoảng 20 củ/kg có giá bán từ 80-100 triệu đồng/kg.
Sâm Lai Châu có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với Sâm Ngọc Linh. Nghiên cứu định lượng saponin toàn phần bằng phương pháp cân cho thấy hàm lượng Saponin toàn phần trong các mẫu Sâm Lai Châu và Sâm Ngọc Linh tương đương nhau (khoảng 20%); Hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu Sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên hàm lượng trung bình khoảng 23% cao hơn so với mẫu trồng 18,47 %; Hàm lượng Saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi; mẫu 5 năm tuổi chứa 19,79% saponin tăng lên 23,58% và 23,85% khi đạt 11,12 năm tuổi, các mẫu trên 10 năm tuổi có hàm lượng saponin cao hơn so với Sâm Ngọc Linh 22,30%. Kết quả nghiên cứu chỉ ra Sâm Lai Châu là nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới.
Tỉnh Lai Châu đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học nhăm bảo tồn và phát triển nguồn gen sâm Lai Châu. Ảnh: Lê Dũng
Tính từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu triển khai và đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ nghiên cứu về Sâm Lai Châu. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Sâm Lai Châu thuộc chi Nhân sâm, họ Ngũ gia bì. Sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang). Sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 m – 2.200 m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông.
Nhằm bảo tồn và đưa sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu. Địa phương này đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng, nhân giống Sâm Lai Châu nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc hữu tại các huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu”, qua dự án đã tuyển chọn 1.185 cây mẹ và trồng 1.009 cây mô hình. Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho hai loài dược liệu quý hiếm (Sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa) của tỉnh Lai Châu”, thông qua Dự án đã tuyển chọn 500 cây mẹ và trồng 5.000 cây mô hình.
Triển khai 2 đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài Sâm Lai Châu (Panaxvietnamensis var.Fuscidiscus), Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) ở các xã vùng cao huyện Mường Tè”, kết quả tuyển chọn được 22 cây mẹ Sâm Lai Châu. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng cây Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. Fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai), qua đề tài tuyển chọn được 1.000 cây mẹ Sâm Lai Châu và trồng 15.000 cây mô hình.
Nhằm đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến khích việc tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tiếp tục khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân.
Tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng trồng, chú trọng sản xuất và hỗ trợ xây dựng nguồn giống; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Sâm Lai Châu từng bước đưa cây Sâm Lai Châu trở thành cây trồng thoát nghèo và làm giàu của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Hải Hà
Bình luận