Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ tư, 01/06/2022 16:06
TMO - Với những tiềm năng to lớn trong phát triển điện năng lượng tái tạo, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng trên, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Tây Nguyên về điện gió.
Đắk Lắk nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Serepok và một phần của sông Ba, với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, giàu tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch, năng lượng...
Theo thống kế của các chuyên gia năng lượng, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, đất đai màu mỡ, ít bị ảnh hưởng của bão, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp đa dạng với quy mô lớn cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Dự án nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H'Leo
Theo nhận định của các chuyên gia, tỉnh Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, điện gió có thể đạt quy mô công suất hàng chục nghìn MW, tập trung tại khu vực phía Bắc của tỉnh với tốc độ gió đạt 6 m/s trở lên; điện mặt trời có thể khai thác với công suất 16.000 MWp nhờ lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt 4,7 – 5 kWWh/m2/ngày.
Về điện sinh khối, với nguyên liệu dồi dào từ các phụ phế phẩm nông nghiệp như bã mía (gần 8 triệu tấn) và từ cuống sắn (2,5 triệu tấn), có thể sản xuất điện đạt công suất 120 MW.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ về phát triển năng lượng tại tạo, nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Tây Nguyên với điện gió, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 15/7/2020 về phát triển năng lượng tái tạo tại tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu, phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh đạt công suất 2.000 - 3.000MW giai đoạn 2020-2025; 3.000-4.000MW giai đoạn 2026-2030; phấn đấu đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên.
Đến nay, Đắk Lắk đã có 10 dự án điện mặt trời và 5. 367 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với công suất hơn 631 MWp. góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, đến nay có 03 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 480 MWp và 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.768 MWp được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp với gần 2 triệu tấm pin mặt trời, công suất 830 MWp
Đối với điện gió, hiện nay, đã có 2 dự án đi vào hoạt động với công suất 428,8 MW 4 dự án đang triển khai thi công và 05 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.
Theo nhận định của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khai thác các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió trong thời gian qua đã bổ sung nguồn điện ổn định và sạch cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5 - 4 tỷ kWh/năm, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực kinh tế trọng điểm vùng Tây Nguyên cũng như an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (đặc biệt các huyện biên giới Ea Súp, Buôn Đôn) khu vực giáp với tỉnh Munđulkiri, Vương quốc Campuchia góp phần giữ vững an ninh quốc phòng. Đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, từng bước tự chủ về kinh tế.
Hồng Thắm
Bình luận