Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 17/10/2024 06:10
TMO - Trước thực tế khai thác cát dưới lòng sông gặp nhiều khó khăn, Lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu ưu tiên, đẩy mạnh khai thác cát biển để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, trong giai đoạn 2022-2025 đồng loạt triển khai nhiều dự án đường cao tốc, như: Cần Thơ-Cà Mau; Châu đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Mỹ An-Cao Lãnh... Chỉ tính riêng nhu cầu cát đắp nền đường của dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau đã cần khoảng 18,5 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác cát lòng sông đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù thời gian qua chủ đầu tư, nhà thầu đã triển khai nhiều biện pháp thi công, có nhiều nỗ lực để giải quyết những khó khăn, nhưng tiến độ của dự án vẫn không đạt như kế hoạch. Đó là vì các nhà thầu vẫn chưa huy động tối đa nhân lực, vật lực, công tác tổ chức thi công chưa đạt yêu cầu.
Do đó, Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu cần quyết liệt hơn nữa, tăng cường nhân lực, thiết bị và bổ sung các mũi thi công, bố trí đủ tài chính để đẩy nhanh tiến độ dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu, tư vấn giám sát... phải tập trung giải quyết các khó khăn phát sinh trong quá trình thi công, đảm bảo đến cuối năm 2024 phải hoàn thành việc gia tải và toàn bộ cầu trên tuyến. Trước tình hình khó khăn về nguyên liệu cát, cần triển khai các biện pháp để khắc phục.
Cụ thể, lợi thế hiện tại là việc khai thác cát biển không hạn chế công suất. Thực tế, hiện nay, nhà thầu chỉ khai thác từ 12.000 - 13.000 m3/ngày, trong khi được phép khai thác khoảng 30.000 m3/ngày.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu đẩy mạnh khai thác cát biển để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. (Ảnh minh hoạ).
Do đó, Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị tăng công suất khai thác cát biển cho dự án. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), tính đến tháng 10-2024, sản lượng thi công toàn dự án đạt 46/57%, chậm 11% so với kế hoạch. Nhu cầu về nguồn vật liệu cho dự án đến hết năm 2024 khoảng 15,5 triệu m3. Hiện còn thiếu khoảng 5,67 triệu m3, đã đưa về công trường được khoảng 9,8 triệu m3.
Để bảo đảm hoàn thành đắp gia tải trong năm 2024, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chủ động làm việc với địa phương để bổ sung thêm nguồn cát. Đến nay, 2 tỉnh An Giang, Vĩnh Long đã hoàn tất thủ tục mỏ cát để cung ứng cho dự án thêm 2,2 triệu m3, còn tỉnh Đồng Tháp tăng công suất 2 mỏ cát. Riêng đối với mỏ cát tại tỉnh Tiền Giang khoảng 0,6 triệu m3 và 2 mỏ tại Bến Tre khoảng 2 triệu m3 thì đang hoàn thiện các thủ tục
Đối với nguồn vật liệu đá, kế hoạch huy động để gia tải cho dự án trong năm 2024 khoảng 1,6 triệu m3, nhưng đến nay chỉ mới huy động về chưa đạt 10%. Khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo An Giang hoàn thành thủ tục gia hạn mỏ trong tháng 8-2024 nhưng đến nay chưa xong. Các nhà thầu cũng đã và đang chủ động huy động đá từ các tỉnh lân cận, như Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương...
Trước đó, để có đủ nguồn cát biển phục vụ thi công thí điểm đáp ứng yêu cầu tiến độ chung của dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phối hợp các nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định và đã được tỉnh Sóc Trăng cấp “Bản xác nhận” khu B1.1 và B1.2 cho nhà thầu VNCN E&C để tổ chức khai thác cát phục vụ thi công dự án.
Mai Trang
Bình luận