Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Chủ nhật, 10/07/2022 07:07
TMO - Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 321/KH-UBND về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, kế hoạch hướng tới mục tiêu tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mạnh, đáp ứng năng lực sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững. Tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y dược, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, coi đây là công cụ hữu hiệu phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bắc Giang triển khai xây dựng được 16 số chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Tổ chức 32 lớp tập huấn về công nghệ sinh học cho 4.800 lượt người; Tiếp nhận, làm chủ ít nhất 10 quy trình công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Xây dựng ít nhất 20 mô hình trình diễn các thành tựu về công nghệ sinh học đến với người dân; Có ít nhất có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất.
Hỗ trợ ươm tạo công nghệ sinh học cho ít nhất 05 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật cho 06 tổ chức công lập có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ sinh học; Tham gia 3 hội chợ công nghệ, thiết bị, trình diễn cung - cầu về công nghệ sinh học và hỗ trợ tham gia 14 cuộc triển lãm sản phẩm về công nghệ sinh học.
Trong giai đoạn từ 2026-2030: Tiếp nhận, làm chủ ít nhất 20 quy trình công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Xây dựng ít nhất 40 mô hình trình diễn các thành tựu về công nghệ sinh học đến với người dân; Có ít nhất có 20 doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất.
Hỗ trợ ươm tạo công nghệ sinh học cho ít nhất 15 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ đầu tư hoàn thiện, chuẩn hóa các phòng thí nghiệm trọng điểm cho 06 tổ chức công lập có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ sinh học đã được đầu tư trong giai đoạn 2022-2025.
Ảnh minh họa
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch trên, UBND tỉnh xây dựng hệ thống các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh về thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công nghệ sinh học; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng công nghệ sinh học.
Đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống phòng thí nghiệm, các Tổ chức đánh giá sự phù hợp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ sinh học ; Phát triển khoa học và công nghệ; Mở rộng liên kết và nâng cao hiệu quả hợp tác về ứng dụng công nghệ sinh học .
Với giải pháp phát triển khoa học và công nghệ cần xây dựng các mô hình trình diễn các thành tựu về công nghệ sinh học đến với người dân thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ các cấp; chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chương trình OCOP, chương trình khuyến nông và các chương trình khác của các ngành, địa phương.
Hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại trong sản xuất sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp. Gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.
Kết hợp chuyển giao, nhập khẩu công nghệ tiên tiến với liên kết, hợp tác đầu tư nghiên cứu trong nước để đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm có ứng dụng công nghệ sinh học. Xác định doanh nghiệp có tiềm năng ứng dụng công nghệ sinh học để tập trung hỗ trợ về khoa học công nghệ.
Hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường. Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ về công nghệ sinh học, hỗ trợ xây dựng, quản lý, bảo hộ về sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm công nghệ sinh học của tỉnh.
Thực hiện kế hoạch, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ tổ chức khảo sát, tư vấn, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học; hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ phát triển thị trường công nghệ tiên tiến từ nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp sinh học.
Tăng cường đề xuất nội dung nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học để UBND tỉnh xem xét, bổ sung vào danh mục nghiên cứu hàng năm của tỉnh. Ưu tiên đặt hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về công nghệ sinh học; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể triển khai xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống; tham mưu tổ chức sơ kết việc triển khai Kế hoạch vào Quý I năm 2026 để đánh giá và đề xuất các giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
Thu Quỳnh
Bình luận