Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ tư, 24/01/2024 08:01
TMO - Nhằm bảo vệ diện tích từng tại các địa phương, ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc của người dân vào tài nguyên rừng, lực lượng Kiểm lâm các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang đã cùng phối hợp trong công tác bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh.
Vùng giáp ranh 4 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang có 16 huyện, 81 xã với tổng diện tích rừng tự nhiên trên 535.912 ha, diện tích đất có rừng trên 340.918 ha độ che phủ trên 63,61%; đây là trung tâm đa dạng sinh học của nước ta với các khu vực rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn Hoàng Liên Văn Bàn, Bát Xát, Mù Cang Chải.
Căn cứ vào quy chế phối hợp các địa phương có khu vực rừng giáp ranh đã tổ chức thực hiện quy chế phối hợp, lực lượng kiểm lâm chủ động tham mưu cho UBND và ban chỉ đạo, Ban chấp hành các cấp thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phương án phòng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của UBND các xã và các chủ rừng. Các Hạt kiểm lâm xây dựng kế hoạch công tác phối hợp quản lý rừng, quản lý lâm sản và PCCCR vùng giáp ranh. Thông qua các chương trình dự án, PCCCR, theo dõi diễn biến rừng, phương án nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm lâm trên địa bàn, đã chủ động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng hiện có kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.
Hạt kiểm lâm các địa phương xây dựng kế hoạch công tác phối hợp quản lý rừng, quản lý lâm sản và PCCCR vùng giáp ranh.
Thực hiện quy chế phối hợp, Hạt Kiểm lâm các vùng giáp ranh của 4 tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin được 441 lần, tuần tra, kiểm soát rừng chung 1.368 lượt. Tổ chức tuyên truyền 606 buổi với 41.652 lượt người tham gia, tuyên truyền 70 lượt trường học với 20.125 học sinh, ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR với 310 thôn bản và 17.188 hộ gia đình, 19 trường học…Các tỉnh đã kịp thời xử lý, giải quyết, ngăn chặn xâm hại tài nguyên rừng. Từ tháng 7/2022 đến tháng 10/2023, các địa phương đã phối hợp xử lý 56 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp, lâm sản tịch thu trên 43m3 gỗ các loại, 1.146 lá giang, 571 gốc cây mẫu đơn; 5 cá thể dúi mốc nhỏ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 452 triệu đồng.
Tại tỉnh Lai Châu, năm 2023, tổng diện tích rừng và rừng trồng chưa thành rừng của huyện Tân Uyên là trên 44.480ha. Trong đó, rừng tự nhiên trên 35.943ha, số còn lại là rừng trồng phòng hộ 0,08ha, rừng sản xuất trên 2.952ha; Đất có rừng trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng trên 5.584ha. Dự kiến tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên đạt 43,36%.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của huyện Tân Uyên tương đối lớn song địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống đường lâm sinh đã được đầu tư nhưng còn thiếu vì vậy khó khăn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng và công tác chữa cháy khi xảy ra cháy rừng, nhất là các khu vực rừng giáp ranh. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng phát, đốt nương không đúng quy định, sử dụng lửa không an toàn ở những khu vực dễ cháy gây ra cháy cây trồng chưa thành rừng. Việc chăn thả gia súc phá hoại rừng trồng vẫn xảy ra.
Để nâng cao công tác bảo vệ, phát triển rừng ở khu vực giáp ranh, mới đây, huyện Tân Uyên đã ký phối hợp với huyện Sìn Hồ, Than Uyên (Lai Châu) và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Tuần Giáo và huyện Tủa Chùa (Điện Biên) để quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp khu vực giáp ranh các huyện. UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu), thông qua hoạt động ký kết công tác phối hợp nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp đến các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức, nội dung, biện pháp phù hợp.
Phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, hộ gia đình xâm canh, xâm cư trái phép; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định. Phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản, hạn chế tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn các huyện giáp ranh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường.
Lực lượng kiểm lâm các địa phương tăng cường phối hợp nâng cao trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
Ngoài ra, toàn huyện hiện có 82 tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng thôn, bản với 9.235 thành viên. Ban Chỉ huy các cấp xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ và tổ chức chỉ đạo, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, ban chỉ huy xây dựng lịch trực 24/24h vào các ngày cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, tổ chuyên trách bảo vệ rừng tuần tra, canh gác để phát hiện sớm đám cháy, chủ động lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng chữa cháy khi cháy rừng xảy ra; Quản lý nghiêm ngặt việc phát đốt nương của người dân, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa để khai thác lâm sản ngoài gỗ, săn bắt động vật hoang dã, đốt nương không đúng quy định.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, 4 tỉnh có khu vực rừng giáp ranh xác định công tác bảo vệ rừng, PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng, PCCCR là nhiệm vụ quan trọng lâu dài; nêu cao vai trò trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn cùng các lực lượng liên quan… cùng với đó đề xuất kiến nghị về phê duyệt kinh phí thực hiện phương án PCCCR; tiếp tục rà soát công tác quy chế phối hợp giữa các địa phương; các tỉnh xây dựng giải pháp giúp đỡ sinh kế cho người dân nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng…
Bùi Thuận
Bình luận