Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ sáu, 01/12/2023 08:12
TMO - Tỉnh Quảng Ninh chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới qua đó triển khai hiệu quả mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tính đến hết ngày 30/5/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54/98 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 26/98 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 huyện (Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cô Tô) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn lại 3 huyện (Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) đã đạt 9/9 tiêu chí và 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Để hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân giàu có, văn minh, công tác chuyển đổi số được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, chuyển đổi số ở nông thôn còn thể hiện rất rõ trong sản xuất nông nghiệp. Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Ðồng thời phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiến tới hội nhập quốc tế. Hiện nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 98,7%); trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã lên sàn TMĐT.
Đặc biệt, hiện nay, Sở NN&PTNT cũng đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN&PTNT.
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng được các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KH&CN trong sản xuất.
Đến nay, hệ thống cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ; đã có 27 cửa hàng và 5 sàn giao dịch thương mại điện tử trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Hiện nhiều người dân, doanh nghiệp, HTX đã nắm bắt cơ hội về chuyển đổi số, vận dụng để tối ưu các khâu sản xuất. Trong đó, hệ thống máy tính theo dõi tổng hợp, ghi nhận số liệu từ đồng thời các khu sản xuất tảo, hệ thống lọc nước và cho tôm ăn tự động, phòng xét nghiệm... đạt chuẩn quốc tế. Từng mẻ tôm giống xuất bán đều được mã hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng nếu cần truy xuất nguồn gốc, chủng loại, kiểm tra thông tin chất lượng... Trên địa bàn thị xã Đông Triều, nhiều đơn vị, HTX và hộ dân cũng ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... để tự động hóa việc chăm sóc cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định...
Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã duy trì hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong hướng dẫn người dân cài phần mềm VssID, thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, cập nhật tin tức an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử địa phương... Đặc biệt là nhiều hộ kinh doanh trong xã đã bắt đầu biết quảng bá các sản phẩm của mình trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để bán được nhiều hàng hơn, nâng cao thu nhập.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt mục tiêu: 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 3 huyện so với năm 2022, gồm Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà); 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2022); 32/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 6 xã so với năm 2022).
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đảm bảo kết nối chặt chẽ với thành thị và nông thôn, nội vùng, liên vùng, đồng bộ, hiện đại; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động quản lý, điều hành các cấp... Đặc biệt, sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở nông thôn.
Minh Đức
Bình luận