Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ tư, 19/06/2024 15:06
TMO - Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 122 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm khoảng 66% tổng số HTX của tỉnh, thu hút gần 3.880 thành viên, chủ yếu là hộ nông dân tham gia. Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ hướng đến quy mô lớn.
Chất lượng nông sản hàng hóa của các HTX nông nghiệp ngày càng được nâng lên; sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú; các HTX đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết đầu tư; liên kết vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTX nông nghiệp với nhau và giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có 80/122 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX với HTX.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chính là do HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, trình độ, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế; vai trò kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp thông qua liên kết chưa cao; chính sách ưu đãi, phát triển HTX nông nghiệp còn bất cập.
Toàn tỉnh có 122 hợp tác xã nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Ảnh: BTN.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi giúp các HTX nông nghiệp có cơ hội duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh như: chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi lệ phí đăng ký HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí...Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn lồng ghép thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giúp các HTX nông nghiệp có cơ hội duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh; hằng năm kinh tế tập thể đóng góp khoảng 8% vào giá trị của ngành nông nghiệp.
Ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ 54 cơ sở tham gia truy xuất nguồn gốc phần mềm KIPUS với gần 220 ha cây trồng chủ lực (bưởi, mít, sầu riêng, chanh giấy, nhãn ido, mãng cầu, xoài) trên địa bàn các huyện: Tân Biên (gần 140 ha), Gò Dầu (30,68 ha), Dương Minh Châu (26,7 ha), TP. Tây Ninh (10,6 ha), Châu Thành (8,5 ha), Tân Châu (3,6 ha). Ngoài ra, đã kích hoạt trên 35.000 tem cho các cơ sở nhập dữ liệu phần mềm truy xuất nguồn gốc, trong đó có HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) với 4.374 tem, HTX mãng cầu Thạnh Tân (TP.Tây Ninh) với 171 tem.
Đồng thời hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị, trong đó hỗ trợ cho 12 dự án gồm 4 dự án liên kết chăn nuôi bò; 5 dự án liên kết trồng lúa; 1 dự án liên kết trồng nấm; 2 dự án nuôi cá lóc tại các huyện, thị xã, thành phố: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu và TP. Tây Ninh. Trong năm 2023, tổng kinh phí hỗ trợ là 19,4 tỷ đồng. Luỹ kế kinh phí hỗ trợ đến nay khoảng 28,8 tỷ đồng/51,5 tỷ đồng, đạt 55,8%.
Tại huyện Gò Dầu, các HTX trên địa bàn huyện đã chủ động trong sản xuất kinh doanh, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trong xã hội, tạo lập mối quan hệ trong nội bộ HTX và quan hệ với các thành phần kinh tế khác. Nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn đã thể hiện được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ thành viên HTX tăng thu nhập khi tham gia HTX.
Đến nay, huyện 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có 4 HTX ứng dụng công nghệ cao trong canh tác như: sử dụng máy cấy lúa, nhà màng trong sản xuất rau; áp dụng công nghệ tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong kinh doanh. HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động của kinh tế thành viên.
Trồng nấm tại một HTX ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: TL.
Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, các HTX hoạt động hiệu quả ở địa phương đã phát huy được vai trò trong xây dựng nông thôn mới. Với hình thức sản xuất gắn liền tiêu thụ sản phẩm, HTX đã vận động thành viên tập trung sản xuất liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, giống và tìm đầu ra sản phẩm thông qua các dịch vụ của HTX.
Thời gian qua, huyện Dương Minh Châu tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Đối với chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đối với HTX, huyện hỗ trợ 3 tổ hợp tác tham gia chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản gồm: Tổ hợp tác trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP xã Cầu Khởi, Tổ hợp tác trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP xã Bàu Năng, Tổ hợp tác trồng mãng cầu xiêm hoa vàng xã Lộc Ninh.
Về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp, huyện chỉ đạo tham mưu phê duyệt kế hoạch liên kết nuôi cá lóc gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Cụ thể, huyện liên kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Lộc Ninh và Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản Lộc Hiệp, xã Lộc Ninh. Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản Lộc Hiệp cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn cá tươi/năm và 17 tấn cá khô/năm.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất tại các hợp tác xã nông nghiệp, thời gian tới UBND tỉnh Tây Ninh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành địa phương rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế kịp thời để thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp.
Trong đó, đối với chính sách đất đai, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với HTX nông nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định cho các HTX nông nghiệp nhằm giúp các hợp tác xã nông nghiệp có đủ diều kiện đầu tư phát triển kinh doanh gắn với điều kiện thực tiễn và phương án sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp.
Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, phí, lệ phí đe HTX nông nghiệp và thành viên HTX nông nghiệp biết và tiếp cận được chính sách ưu đãi hiện hành. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điêu kiện thuận lợi, hỗ trợ HTX nông nghiệp tiếp cận tín dụng, vay vốn, trong đó ưu tiên tiếp cận vốn đối với HTX nông nghiệp có phương án sàn xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, triển khai các chính sách liên quan về sở hữu trí tuệ, năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng khoa học và công nghệ... để hỗ trợ, phát triển HTX nông nghiệp.../
Dương Hương
Bình luận