Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 23/11/2024 03:11

Tin nóng

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thứ bảy, 23/11/2024

Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Thứ ba, 13/08/2024 07:08

TMO - Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn này đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có một cách hiệu quả.

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (huyện Thường Xuân) được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-UB ngày 15/6/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích 24.728,60 ha; trong đó, 23.816,23 ha rừng đặc dụng và 912,37 ha rừng sản xuất. Đây là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. 

Theo kết quả điều tra, Khu BTTN Xuân Liên có 1.228 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 659 chi, 181 họ, trong đó có 56 loài thực vật rừng quý hiếm, có 11 loài thuộc danh mục của IUCN, 39 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 22 loài thuộc danh mục của Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng nguyên sinh có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Trong đó, quần thể sa mu, pơ mu ở khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được coi là lớn nhất Bắc Trung Bộ với nhiều cây trăm tuổi, đặc biệt có cây gần 1.500 tuổi.

Hệ động vật ở Xuân Liên gồm 1.811 loài, thuộc 241 họ, 46 bộ; có 94 loài nguy cấp, quý hiếm, có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu thuộc Danh lục Đỏ IUCN, 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó, có 3 loài đặc hữu hẹp, gồm: Vượn đen má trắng, Mang pù hoạt, Rùa hộp trán vàng bắc. 

Khu BTTN Xuân Liên với giá trị đa dạng sinh học cao được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Những năm qua, Ban Quản lý (BQL) Khu BTTN Xuân Liên thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong đó nghiên cứu khoa học được xem là nhiệm vụ then chốt để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có một cách hiệu quả. Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã thực hiện thành công đề tài khoa học "Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene lan hài vân bắc, lan hài lông và lan thủy tiên hường vùng Bắc Trung Bộ (giai đoạn 2017-2022)".   

Qua đó, phát hiện 210 cây lan hài vân bắc, 1.175 cây lan hài lông, 1.265 cây lan thủy tiên hường tại khu vực Bắc Trung Bộ. trong thời gian thực hiện đề tài, Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã điều tra 42 tuyến với chiều dài 325,9km tại 14 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vùng Bắc Trung Bộ để xác định hiện trạng, vùng phân bố các loài lan này, tìm giải pháp bảo tồn, nhân giống các loài lan quý này. 

Đồng thời, xây dựng được 9 quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc các loài lan và 3 mô hình trồng cây lan thương phẩm, 1 mô hình vườn giống gốc với 5.035 cây để cung cấp vật liệu giống sản xuất cây thương phẩm. Đến thời điểm kết thúc đề tài, Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã nhân giống được 45.320 cây lan của 3 loài bằng phương pháp nuôi cấy mô (30.000 cây/3 loài), phương pháp tách mầm (15.000 cây/3 loài). 

Với Đề tài khoa học “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2019-2024", Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên hướng tới mục tiêu xác định hiện trạng, đa dạng di truyền và giá trị sử dụng của nguồn gen, từ đó tìm ra giải pháp bảo tồn, phát triển loài cây dược liệu quý.

Theo đó, Khu BTTN Xuân Liên đã điều tra xác định hiện trạng phân bố, đặc điểm nông sinh học và giá trị sử dụng của nguồn gen na rừng trên 42 tuyến qua các khu rừng đặc dụng trong vùng núi Bắc Trung Bộ, thuộc khu vực các vườn quốc gia Bến En, Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng... Xác định các đặc điểm hình thái, sinh trưởng, đặc điểm tái sinh và cấu trúc lâm phần của cây na rừng, thu thập và xử lý tạm thời mẫu tiêu bản trên hiện trường... Đồng thời, đơn vị đã xây dựng được mô hình vườn ươm cây giống quy mô 50.000 cây giống/năm, trong đó có 25.000 cây giống từ gieo hạt, 25.000 cây giống từ giâm hom. Mô hình trồng na rừng tập trung cũng được xây dựng với quy mô 1 ha, mật độ 2.000 - 2.500 cây/ha...

Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông và người dân địa phương về quy trình kỹ thuật sản xuất giống na rừng; quy trình kỹ thuật sản xuất dược liệu na rừng theo hướng dẫn GACP-WHO. Đồng thời, xây dựng được vườn giống gốc diện tích 1 ha, với 200 cây giống gốc được lựa chọn từ các cây trội để cung cấp giống và 800 cây phục vụ nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất dược liệu cơ sở.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ cho đơn vị tiếp tục đăng ký thực hiện dự án thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ” nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác, phát triển nguồn gen các loài này một cách bền vững và hiệu quả.

Khu vực vườn ươm na rừng tại Khu BTTN Xuân Liên. 

Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển các loài cây quý hiếm, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã triển khai nhiệm vụ khoa học "Điều tra, bảo tồn và phát triển các loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa (2022-2024). Đến nay, kiểm lâm viên tại Khu bảo tồn đã trồng được 15.000 cây giống thuộc 3 loài trên tại vườn ươm; xây dựng được 2 mô hình rừng trồng tập trung với diện tích 3 ha tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân; mô hình rừng trồng bổ sung làm giàu rừng diện tích 15 ha tại xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân.

Các kiểm lâm viên đã tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể và đặc điểm phân bố tự nhiên, đặc điểm hình thái, tái sinh của 3 loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan tại Khu bảo tồn; đồng thời, xây dựng dữ liệu cây trội đối với 3 loài để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, thử nghiệm nhân giống bảo tồn, làm cơ sở phục vụ hoạt động quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn gen.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên cũng đang đồng thời triển khai “Điều tra đặc điểm sinh vật học và bảo tồn một số loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) tại Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2022-2024)” nhằm bảo tồn các loài cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Đến nay, Ban Quản lý đã điều tra được 45 tuyến, xây dựng được 2 mô hình rừng trồng tập trung và trồng rừng bổ sung, làm giàu rừng có các loài cây họ Dầu (15 ha/2 mô hình) ở xã Vạn Xuân, Yên Nhân, huyện Thường Xuân. Kiểm lâm viên đã trồng và nhân giống được 10.000 cây họ Dầu như chò chỉ, táu mặt quỷ, táu nước, táu muối…trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, kiểm lâm viên sẽ điều tra, xác định thành phần, đặc điểm phân bố tự nhiên, mối đe dọa của các loài cây họ Dầu. 

Đồng thời thu thập thông tin về loài qua phỏng vấn 120 người dân tại 12 thôn/bản vùng đệm Khu Bảo tồn; điều tra định vị, mô tả chi tiết 100 cây họ Dầu cổ thụ; xây dựng cơ sở dữ liệu về đặc điểm sinh vật học làm cơ sở cho hoạt động bảo tồn, phát triển, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, kiểm lâm viên cũng sẽ xây dựng báo cáo chuyên đề về phân tích hiện trạng phân bố, tình trạng khai thác, buôn bán và sử dụng của các loài cây tại những thôn vùng đệm Khu Bảo tồn; in ấn và cấp phát 1.210 bản poster tuyên truyền về bảo tồn phát triển các loài cây cấp cho người dân tại 12 thôn/bản, 5 xã và 6 trường học.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân quanh vùng về bảo tồn 3 loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan và các giá trị đa dạng sinh học tại 12 thôn giáp ranh khu bảo tồn; thực hiện báo cáo chuyên đề, phân tích điều tra đánh giá hiện trạng quần thể và đặc điểm phân bố tự nhiên 3 loài, thực hiện chọn 150 cây trội để phục vụ nhân giống và lên phương án nhân rộng mô hình trồng rừng tập trung 3 loài trên. 

Hiện Ban Quản lý thực hiện được 2 mô hình gồm: Trồng rừng tập trung trên diện tích 3,0 ha/3 loài, với mật độ 1.000 cây; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung với diện tích 15,0 ha/3 loài, mỗi loài trồng 500 cây/ha. Thời gian tới, kiểm lâm viên của Khu bảo tồn sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu, trồng nhân giống, qua đó tìm ra phương án bảo tồn các loài cây quý này.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng. 

Những năm qua BQL Khu BTTN Xuân Liên còn triển khai có hiệu quả nhiều đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, như: Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen Cầy Vòi hương và Cầy vòi mốc tại Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận; Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây giống giổi ăn hạt, phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây Quế ngọc theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”... 

Các nhiệm vụ khoa học về bảo tồn như: Điều tra, bảo tồn, cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa; bảo tồn và phát triển các loài trong họ Cầy (Viverridae); bảo tồn một số loài cây họ Dầu; bảo tồn và phát triển các loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc Lan tại Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa; bảo tồn và phát triển 2 loài Vù hương, Re gừng thuộc chi Quế (Cinnamomum); điều tra, bảo tồn các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm,..

Thông qua hoạt động điều tra để thực hiện các đề tài khoa học, BQL Khu BTTN Xuân Liên cùng với các nhà khoa học đã phát hiện được 6 loài cây mới, trong đó 3 loài đặc hữu chỉ có tại Xuân Liên; 1 loài đặc hữu của khu vực Trung bộ và 2 loài đặc hữu của Việt Nam, gồm Mộc hương Xuân Liên, Sồi Xuân Liên, Thiên lý Xuân Liên, Chè hoa vàng trái mỏng, Chè hoa vàng Trung bộ, Giác đế bân. Phát hiện 3 loài mới chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam đó là: Lữ đằng đứng, Thủy thảo trắng, Song quả lá bắc tím và loài rắn hổ mây Xuân Liên... qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.

Nhằm bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa triển khai Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.  

Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia các loại hình du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quy hiếm trong khu vực. Xác định được hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; danh lam thắng cảnh và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã lập được danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu, nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cùng các tài nguyên động, thực vật phổ biến; ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý tài nguyên và quan sát đa dạng sinh học bằng công nghệ GPS trong tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.

Nhằm thúc đẩy và phát huy tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học, thời gian tới Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, dự trữ thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tổ chức các hoạt động dịch vụ môi trường sinh thái, du lịch và giáo dục môi trường theo quy định của pháp luật. Đa dạng các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và hoàn thiện công tác điều tra nghiên cứu cơ bản ở Khu BTTN Xuân Liên.

 

 

Lê Thành 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline