Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ hai, 27/11/2023 14:11
TMO - Tỉnh An Giang chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, phục vụ đa mục tiêu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tăng hiệu quả cấp nước cho sản xuất.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh An Giang hiện có hơn 11.000 công trình thủy lợi, cấp thoát nước. Hệ thống thủy lợi luôn được tỉnh đầu tư nâng cấp nay phục vụ kiểm soát lũ và tưới, tiêu cho hơn 253.292 ha đất sản xuất nông nghiệp (lúa, màu) và khoảng 3.487 ha đất nuôi trồng thủy sản. Đối với hệ thống sông tỉnh có 2 tuyến sông chính là sông Tiền và sông Hậu với chiều dài gần 182 km, đây là 2 công trình sông lớn cung cấp nguồn nước chính phục vụ cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn 09 công trình sông và nhánh sông tự nhiên: Sông Cái Vừng, Sông Vàm Nao, Sông Châu Đốc, Rạch Bình Ghi, Rạch Ông Chưởng, Xép Năng Gù, Xép Vĩnh Trường, Kênh Khai Long lớn, Xếp Cồn Tấn Thuận với tổng chiều dài gần 112 km, nhận nguồn nước trực tiếp từ hệ thống sông Mê Kông để cung cấp nước qua hệ thống kênh, rạch tự nhiên
Tổng các công trình kênh các loại có 3.115 công trình, gồm: kênh cấp I: tổng số 19 tuyến, chiều dài 459 km; kênh cấp II: tổng số 268 tuyến, chiều dài1.640 km; kênh cấp III: tổng số 840 tuyến, chiều dài 1.995 km; kênh nội đồng: 1.953 tuyến, với tổng chiều dài 3.036 km. Đối với hệ thống đê bao: Toàn tỉnh có 699 tiểu vùng với chiều dài 5.789 km, kiểm soát lũ bảo vệ sản xuất cho hơn 255.863 ha. Trong đó, có 417 tiểu vùng bao triệt để với chiều dài 4.027 km kiểm soát lũ hơn 199.976 ha và 238 tiểu vùng bao chống lũ tháng 8 với chiều dài 1.449 km kiểm soát lũ 54.813 ha đất sản xuất 02 vụ và 44 tiểu vùng ngoài đê bao, với 160 công trình, chiều dài 312km, diện tích 12.074 ha.
Phần lớn các công trình cống được đầu tư từ năm 1990 đến 2013 (2.445 công trình cống), để phục vụ tưới tiêu và ngăn lũ rất tốt, thể hiện qua các năm lũ lớn như năm 2000 và năm 2011 đã phát huy tác dụng công trình. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đầu tư thêm 455 công trình và hằng năm phải duy tu, sửa chữa định kỳ để đảm bảo phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh có 2.183 trạm bơm (trong đó: 2.147 trạm bơm điện, tổng công suất trạm 5.187.000 m3 /h, phục vụ tưới cho 112.487 ha và tiêu cho 192.234 ha và trạm bơm dầu các loại và 36 trạm bơm dầu sử dụng chủ yếu máy dầu D12 phục vụ lưu động rải rác trong địa phương, ở những nơi chưa có điều kiện kéo điện trung thế.
Tỉnh An Giang tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh có 16 hồ, với dung tích 4.778.000 m3 cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hơn 14.000 dân đang sinh sống ở vùng núi Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên. Các hồ chứa nước tuy có quy mô nhỏ nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ đa mục tiêu trên địa bàn Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Trong đó: phục vụ chủ yếu phòng chống cháy rừng, du lịch, sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho hơn 3.200 hộ dân… Hiện tại, khu vực Bảy Núi đã được đầu tư xây dựng nâng cấp các hồ chứa hiện có để điều tiết sử dụng nguồn nước mùa mưa sử dụng tưới cho diện tích đất nông nghiệp vùng cao, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Việc hình thành đê bao tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trong vùng ngập lũ, phục vụ sản xuất lúa (cho lúa vụ 3 và một số vùng cho vụ hè thu “ăn chắc”) nhằm đáp ứng an toàn thu hoạch cho người sản xuất và đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu, công trình đê bao cũng phục vụ tích cực cho giao thông thủy lợi nội đồng và giao nông thôn. Các tuyến đê bao triệt để trong tỉnh đa số được kết hợp làm đường giao thông bộ (bao gồm cả Quốc lộ), nhiều nhất là đường liên xã và đường giao thông nông thôn được liên kết giữa các tiểu vùng bao. Các tuyến đê bao bảo vệ sản xuất nhằm kiểm soát lũ triệt để và kiểm soát lũ tháng 8, đảm bảo phục vụ sản xuất 02-3 vụ/năm. Ngoài ra, đê bao còn có chức năng phục vụ dân sinh, giao thông nông thôn.
Ngoài hiệu quả của hệ thống đê bao kiểm soát lũ phục vụ sản xuất 3 vụ/năm đã góp phần tăng sản lượng lương thực, đê bao gắn với giao thông nông thôn (nối liền với trung tâm xã, huyện), tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, bố trí dân sinh, dịch vụ, vận chuyển nông sản, trang thiết bị cơ giới; góp phần giảm nhẹ thiên tai, những thiệt hại do lũ lụt gây ra (bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân, nhất là trẻ em), có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, xã hội. Về lâu dài, hệ thống đê bao cần được quy hoạch tạo ra hệ thống thủy lợi hợp lý, tiến tới hoàn chỉnh để có thể hạn chế thiệt hại do lũ gây ra, kiểm soát được lũ, khai thác được lợi thế của đê bao ngăn lũ và chủ dộng với lũ, tận dụng được mặt lợi do lũ mang lại.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, hệ thống thủy lợi đã phát huy được hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, cụ thể: Phục vụ đủ nguồn nước tưới tiêu cho toàn bộ diện tích canh tác, đồng thời thau chua rửa phèn cải tạo đất vùng Tứ giác Long Xuyên gồm vùng ven kênh Trà Sư (huyện Tịnh Biên) và vùng ven kênh Tám Ngàn - Tây kênh 10 Châu Phú... Củng cố và từng bước mở rộng hệ thống đê bao vùng, xây dựng dần hệ thống cống ngăn lũ dưới đê, nhất là đối với các huyện, thị đầu nguồn: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Đốc, Châu Phú... đồng thời kết hợp mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn.
Hệ thống trạm bơm điện quốc doanh, tập thể và tư nhân thay dần trạm bơm dầu, nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ đầy đủ toàn bộ diện tích gieo trồng và bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất; Hệ thống đê bao kiểm soát lũ triệt để các tiểu vùng của tỉnh với diện tích phục vụ hơn 60.000 ha chủ động sản xuất cho 03 vụ, trong đó, huyện Chợ Mới thì kiểm soát lũ toàn huyện và cứng hóa mặt đê bằng nhựa, bê tông, đá, giao thông cũng được mở rộng. Nhờ đó, hệ thống canh tác nông nghiệp cũng dần dần thay đổi và giúp cho người dân cơ cấu cây trồng vật nuôi đa dạng hơn như sản xuất lúa cao sản 03 vụ, 03vụ màu, vườn cây ăn trái, các mô hình VAC, VRAC, RAC, nuôi tôm cá đăng quầng...
Thời gian tới, tỉnh An Giang chú trọng phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước. Thực hiện kiểm soát lũ xuyên biên giới thông qua rà soát, nạo vét kênh rạch tăng khả năng thoát lũ, đồng thời thực hiện chức năng trữ nước, cấp nước chủ động, chia sẻ nguồn nước và chuyển đổi sinh kế bền vững vùng ngập lũ thông qua việc tận dụng các khoảng không gian thoát lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và ĐTM, tận dụng các mặt lợi do lũ mang lại (phù sa, vệ sinh đồng ruộng, nguồn lợi thủy sản), thích nghi với sinh kế mùa lũ, phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chuyển đổi sản xuất vụ 3 sang hình thức sản xuất thích ứng với đất ngập nước, trữ nước ngọt trên ruộng và hệ thống kênh rạch, cấp nước ngọt vào mùa khô.
Phát triển hệ thống công trình thủy lợi có tính đến chức năng phòng chống sạt lở bờ sông, phòng chống thiên tai, kiểm soát được lũ, ứng phó với lũ cực đoan, phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ khu dân cư, đảm bảo an toàn dân cư trong mùa lũ. Cải tạo các kênh trục thoát lũ ra biển Tây và Đồng Tháp Mười. Tập trung gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát và điều tiết lũ, đồng thời hỗ trợ sản xuất, phát triển các sinh kế khác ngoài 2 vụ lúa. Bảo vệ không gian thoát lũ, kết hợp nghiên cứu giải pháp trữ nước lũ vùng ngập sâu để phụcvụ cấp nước mùa khô và các mục đích khác.
Tỉnh An Giang phát triển hệ thống công trình thủy lợi có tính đến chức năng phòng chống sạt lở bờ sông, phòng chống thiên tai, kiểm soát được lũ, ứng phó với lũ cực đoan.
Hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để chủ động cấp, thoát nước; nâng cấp đê bao, bờ bao bảo vệ đô thị, khu dân cư; nghiên cứu thiết kế hệ thống kênh mương, bờ vùng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tập trung để đảm bảo liên thông trao đổi nước. Đầu tư thêm các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch, công trình điều tiết, nạo vét các trục kênh để chủ động trữ nước đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cấp nước cho các cụm ngành kinh tế khác. Hạn chế, sử dụng hợp lý nước ngầm phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản nhằm phòng tránh sụt lún, sạt lở. Đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung của tỉnh, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, đồng thời chủ động sống chung với lũ, ngập, khô hạn.
Đối với vùng lũ ngập sâu: Chủ động kiểm soát lũ, ổn định hệ thống đê bao, bờ bao để bảo vệ khu dân cư, công trình hạ tầng, diện tích sản xuất 3 vụ, nuôi trồng thủy sản. Bảo vệ không gian thoát lũ; kết hợp nghiên cứu giải pháp trữ nước lũ vùng ngập sâu để phục vụ cấp nước mùa khô và các mục tiêu khác. Đối với vùng ngập lũ nông: Hoàn thiện, khép kín công trình thủy lợi để chủ động cấp nước; tiếp tục củng cố, nâng cấp đê bao, bờ bao bảo vệ đô thị, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tập trung. Đầu tư công trình điều tiết, nạo vét các trục kênh để chủ động trữ nước đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, cấp nước cho các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh và chuyển nước ngọt ra vùng ven biển, thoát lũ ra biển Tây.
Đối với vùng cao (vùng Bảy Núi): Triển khai Đề án khai thác đa mục tiêu các hồ chứa nước trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên; Triển khai Dự án Hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi; Đầu tư công trình điều tiết, nạo vét các trục kênh để chủ động trữ nước, tạo nguồn nước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất.
Trước tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, sẽ dẫn đến hiện tượng hạn hán, mưa nắng bất thường, ngập lụt hằng năm ngày càng phức tạp và khó dự báo trước là mối đe dọa đến sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Do đó, việc đầu tư nạo vét các tuyến kênh, xây dựng trạm bơm điện, cống điều tiết, nâng cấp các tuyến đê kết hợp làm lộ giao thông nông thôn, tạo một hệ thống công trình kết nối đồng bộ, hoàn chỉnh có khả năng điều tiết nước kịp thời vào mùa khô và tiêu thoát nước nhanh vào mùa mưa, có ý nghĩa hết sức to lớn cho việc đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, từng bước thích ứng nhanh trước tình hình BĐKH và khả năng khai thác, sử dụng nước từ lưu vực Mekong. Tiến tới hoàn thành vùng thủy lợi, kết hợp giao thông nội đồng hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành công trình thủy lợi (cống, trạm bơm…), công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, kiên cố hóa kênh mương ở những vùng sản xuất lớn, tập trung, có tính chất liên vùng, tiểu vùng, phục vụ nhiều loại cây trồng.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang tiếp tục triển khai các Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế thuộc Hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhằm chủ động nguồn nước ngọt vào mùa khô, chủ động các giải pháp giảm thiểu, các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, phục vụ tưới tiêu cho diện tích trên 12.000 ha, kết hợp thủy lợi với phục vụ giao thông thủy cho các tàu có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa. Dự án Cống Tha La - Trà Sư: Thực hiện đầu tư 02 cống Trà Sư (với khẩu độ 4x22m) và cống Tha La (với khẩu độ 3x22m) thay thế cho 02 đập Trà Sư và Tha La đã hết sứ mệnh lịch sử. Kết hợp với một số công trình khác kiểm soát lũ vào nội đồng của vùng Tứ giác Long Xuyên.
Dự án Hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn vùng Bắc Vàm Nao: Thực hiện cải tạo, nâng cấp 130,12 km bờ kênh rạch, nâng cấp 132 cống và 16 cống hở có khẩu độ từ 4 mét tới 10 mét để đảm bảo tưới tiêu cho 24.039 ha đất nông nghiệp với quy trình sản xuất 3 năm/8vụ; xây dựng 20 cây cầu nối các tuyến đê liên kết vùng và kiên cố hóa các tuyến đê tiểu vùng (láng nhựa hoặc bê tông) thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản được dễ dàng... Dự án sẽ mang lại hiệu quả lớn, đảm bảo nâng cao đời sống và an toàn trong sản xuất của huyện Phú Tân và Tân Châu.
Dự án Kiểm soát lũ Nam Vàm Nao: Thực hiện đầu tư giai đoạn 2 tổng số 55 công trình cống (23 cống hở có khẩu độ 10 mét, 32 cống hở có khẩu độ 5 mét); kiên cố hóa kênh mương kết hợp nội đồng tổng số 21 công trình, chiều dài 37,5 km; xây dựng đường giao thông nội đồng tổng số 16 công trình, chiều dài 40,7km; nạo vét 12 công trình kênh nội đồng, chiều dài 12,6km và nâng cấp 06 công trình đê bao chống lũ, chiều dài 17,8 km. Dự án kiểm soát lũ cho cả vùng 27.703 ha đất sản xuất nông nghiệp, bao gồm 04 phân vùng, với 76 tiểu vùng lúa, 26 tiểu vùng màu và vận hành theo cơ chế “tiểu vùng theo hướng mở” với tần suất lũ năm 2000. Hoàn thiện thêm hệ thống 05 hồ chứa nước vùng núi (Thủy Liêm 1, Thanh Long, Ô Tà Sóc, Soài Chek và Ô Thum), với dung tích 2,03 triệu khối, phục vụ nước sinh hoạt các hộ trên núi, sản xuất 400 ha, phòng cháy chữa cháy và cảnh quan du lịch và tích trữ nước cho 07 hồ do khai thác đá tạo thành....
Hồng Nhung
Bình luận