Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/04/2025 09:04
Thứ sáu, 11/04/2025 06:04
TMO - Các công trình thủy lợi, ngoài chức năng tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, các hồ chứa thủy lợi còn rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, những năm qua, Bình Thuận đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu.
Sau hàng chục năm đầu tư nguồn lực phát triển hệ thống thủy lợi để ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, và đời sống, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng được nhiều công trình hồ chứa nước, đập ngăn nước, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới. Ðể phát triển kinh tế, xã hội lâu dài, Bình Thuận đã thực hiện giải pháp tăng nguồn nước bằng cách tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu.
Điều này nhằm bảo đảm nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động nhiều nguồn lực để đầu tư mạng lưới thủy lợi theo kế hoạch đề ra. Hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bình Thuận được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác 159 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Trong đó có 49 hồ chứa nước, 89 đập dâng, 21 trạm bơm. Tổng dung tích các hồ chứa công ty đang quản lý trên 440 triệu m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.037 ha; diện tích đất vùng bán ngập và hạ lưu công trình trên 1.500 ha. Một số hồ có diện tích mặt nước lớn, gồm các hồ như Sông Lũy, Sông Quao, Cà Giây, Lòng Sông, Suối Đá, Phan Dũng, Sông Dinh 3, Biển Lạc… Các công trình đều có hệ thống đường giao thông kết nối, tạo lợi thế khai thác các dịch vụ đa chức năng, đa giá trị. Tuy nhiên, đáng chú ý, tại một số hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh như Cà Giây, Sông Lũy… đang diễn ra hoạt động đánh bắt thủy sản tự phát, ảnh hưởng đến an ninh và môi trường nguồn nước.
Mặt khác, gây khó khăn cho công tác quản lý nhưng chưa được sắp xếp lại vị trí và vùng hoạt động khai thác hợp lý. Trong khi đó, việc tận dụng, khai thác tiềm năng của các công trình còn bỏ ngỏ, chưa được chú trọng. Đây là một sự lãng phí lớn.
Vì vậy, việc rà soát phát triển đa mục tiêu của các hồ chứa đưa vào quy hoạch để lập đề án khai thác chi tiết là rất cần thiết, định vị rõ các vùng, cũng như khu vực bảo vệ an ninh, an toàn hồ đập bảo đảm các mục tiêu về khai thác và sử dụng hiệu quả công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Vừa qua, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh đã rà soát, cùng với ý kiến góp ý của các sở và địa phương, đơn vị đã đề xuất một số danh mục công trình với 5 tiềm năng phát triển khai thác đa mục tiêu.
Đập dâng Tà Pao cung cấp nguồn nước cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp ở 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh .
Nổi bật có thể nhắc đến là tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ thủy lợi; phát triển du lịch, dịch vụ trên hồ chứa thủy lợi. Về phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao vùng đất bán ngập và hành lang bảo vệ công trình. Ngoài ra, có thể phát triển thủy điện nhỏ sau hồ và trên kênh thủy lợi. Đồng thời, phát triển tiềm năng điện mặt trời trên hồ và kênh mương thủy lợi… Một trong những tiềm năng hiện có là Bình Thuận với 16 hồ chứa, diện tích mặt nước khoảng 2.410,8 ha (khoảng 50% diện tích mặt hồ) là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng như nuôi trồng.
Hiện tại trên các hồ thủy lợi đã có một số loài có giá trị kinh tế cao, như cá lăng, bống tượng, mè, rô... Hàng năm, tỉnh Bình Thuận và người dân cũng đã thả cá các loại vào các hồ chứa trên địa bàn tỉnh nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, nên trữ lượng cá tăng đã giúp tăng thêm giá trị đánh bắt cho người dân.
Theo đánh giá, những loài cá được thả xuống hồ đều phát triển nhanh do gặp môi trường sống tốt, nguồn thức ăn phong phú. Việc đánh bắt, khai thác mang tính tự phát nên sản lượng thủy sản đánh bắt được hàng năm ở các hồ chứa được thống kê đo đếm…Do đó, trong tháng 2/2025, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đến các bộ ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi.
Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi nói chung, hồ đập thủy lợi nói riêng, xác định đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng chính sách pháp luật cụ thể phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi khai thác đa mục tiêu, đa giá trị, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi, tăng nguồn thu, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, hướng tới tự chủ và bền vững tài chính. UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn chủ thể khai thác công trình thủy lợi phù hợp với quy định của pháp luật về thủy lợi.
Tổ chức rà soát, đánh giá lại năng lực, hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ của công trình…Từ đó, khai thác đa mục tiêu, phát huy tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các công trình thuỷ lợi góp phần lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là nông nghiệp.
Hệ thống thuỷ lợi đã góp phần rất lớn cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp như giống, mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi...; là yếu tố quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giúp người dân thực hiện tốt phương châm phát triển gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Việc hoàn thành tiêu chí thủy lợi không chỉ giúp nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai mà còn tạo nền tảng quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.
Nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2024-2025, gần đây, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp, ngành khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống thủy lợi và triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời.
Theo đánh giá, các công trình thủy lợi quan trọng được đầu tư, nâng cấp nhằm tăng khả năng trữ nước, và điều tiết nước hiệu quả. Tỉnh cũng triển khai nạo vét kênh, mương, kiểm tra nước thường xuyên, cập nhật thông tin dự báo thời tiết để có phương án ứng phó phù hợp.
Để phát triển hệ thống thuỷ lợi, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 4884/KH-UBND, về việc hỗ trợ triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch nhấn mạnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước, sử dụng nước tiết kiệm…/.
Ngọc Dung
Bình luận