Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 12:11
Thứ tư, 07/08/2024 14:08
TMO - Cùng với chú trọng bảo dưỡng, bảo đảm an toàn điện, ngành Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng lưới điện nhằm phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc được cấp điện từ 2 trạm 220 kV Vĩnh Yên và Vĩnh Tường; các đường dây 110 kV liên kết với trạm 220 kV Vân Trì, thành phố Hà Nội và trạm 220 kV Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trong đó, lưới điện 500 kV có chiều dài 42,8 km mạch kép; lưới điện 220 kV dài hơn 125 km; lưới điện 110 kV dài hơn 179 km; chiều dài đường dây trung thế và hạ thế hơn 6.850 km.
Thực hiện kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với lĩnh vực điện năng nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với ngành Điện định hướng đầu tư xây dựng mới trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên với công suất 2.700 MVA, trước mắt đầu tư công suất 1.800 MVA tại khu vực xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên).
Cùng với đó, xây dựng mới 2 đường dây gồm: Đường dây 4 mạch 500kV Vĩnh Yên - Rẽ Sơn La - Hiệp Hòa và Việt Trì - Hiệp Hòa, chiều dài 5km đấu nối trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên; Đường dây 2 mạch 500kV Tây Hà Nội - Vĩnh Yên với chiều dài 44km, tạo liên kết lưới điện 500kV giữa Vĩnh Phúc và Thành phố Hà Nội.
Đến nay, tổng công suất các trạm biến áp 110kV xây dựng mới đạt 14,5%; các trạm biến áp 110kV được nâng công suất đạt 47% so với quy hoạch. Tổng khối lượng xây dựng mới đường dây 110kV đạt khoảng 9% so với quy hoạch. Toàn tỉnh có 5/10 công trình cải tạo, nâng tải đường dây 110kV hoàn thành, cơ bản đảm bảo nguồn điện cung cấp cho phụ tải của địa phương.
Ngành Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng lưới điện.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc triển khai thi công 45 công trình, xây dựng mới và cải tạo hơn 103km đường dây trung thế, hơn 66km đường dây hạ thế. Xây dựng mới 79 trạm biến áp với tổng công suất 28.600kVA; cải tạo, nâng công suất 56 trạm biến áp với tổng công suất 25.700kVA trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hoàn thành đóng điện 2 dự án lưới điện 110kV gồm trạm biến áp 110kV Vĩnh Yên và trạm biến áp 110kV Phúc Yên.
Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công các dự án 110kV trên địa bàn tỉnh gồm: Lắp máy biến áp T2 trạm 110kV Đồng Sóc, trạm biến áp 110kV Sông Lô và nhánh rẽ, đường dây và trạm biến áp 110kV Yên Lạc, lắp máy biến áp T2 trạm 110kV Yên Lạc. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo điện năng phục vụ khách hàng trong tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu phát triểnn lưới điện truyền tải và phân phối gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của từng địa phương, đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao. Từng bước thực hiện đầu tư và cải tạo lưới điện theo quy hoạch. Ưu tiên nguồn điện phục vụ cho sản xuất và cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ xây dựng mới trạm biến áp (TBA) 500kV Vĩnh Yên với tổng công suất 1.800MV; nhằm đáp ứng 60-70% tổng công suất nhu cầu phụ tải của tỉnh, 30% công suất phụ tải còn lại được cấp từ các TBA 220kV và 110kV kết nối với các tỉnh lân cận. Đồng thời xây dựng mới, nâng cấp đến năm 2030 toàn tỉnh có 04 tuyến đường dây 500kV. Cải tạo, nâng công suất hiện trạng 02 TBA 220kV Vĩnh Yên và Vĩnh Tường với tổng công suất các trạm 1.000 MVA; Xây dựng mới 06 TBA 220kV Bá Thiện, Tam Dương, Phúc Yên, Chấn Hưng, Lập Thạch và Mê Linh với tổng công suất các trạm 1.750MV. Đồng thời xây dựng mới, nâng cấp đến năm 2030 toàn tỉnh có 20 tuyến đường dây 220kV.
Cải tạo, nâng công suất hiện trạng 15 TBA 110kV với tổng công suất các trạm 1.620 MVA; Xây dựng mới 10 TBA 110kV với tổng công suất các trạm 859MV. Tổng công suất của các TBA 110kV đến năm 2025 là 1958 MVA, đến năm 2030 đạt tới 2479MVA. Đồng thời xây dựng mới, nâng cấp đến năm 2030 toàn tỉnh có 43 tuyến đường dây 220kV.
Với định hướng các giai đoạn phát triển các công trình TBA và đường dây truyển tải 500kV, 220kV, 110kV cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, hạ tầng cơ sở Điện lực của tỉnh Vĩnh Phúc không những đảm bảo nhu cầu truyền tải trong tỉnh mà còn giải toả được nguồn công suất cho các nhà máy điện và trạm năng lượng tái tạo.
Để đạt mục tiêu trên, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công ty thành viên rà soát, nắm bắt tình hình, tiến độ các dự án truyền tải, phân phối điện lớn trên địa bàn tỉnh. Kịp thời giải quyết những khó khăn, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch hướng tuyến; công tác thu hồi đất… cho các dự án phát triển lưới điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Triển khai kế hoạch phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Ngành điện tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trên địa bàn. Ảnh: BVP.
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc hiện đang quản lý, vận hành hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh bao gồm 119 lộ đường dây trung áp (40 lộ đường dây 35kV và 79 lộ đường dây 22kV) với tổng chiều dài hơn 2.000km; hơn 5.200 lộ đường dây hạ áp với tổng chiều dài hơn 2.600km. Hệ thống trạm biến áp (TBA) có gần 3.400 TBA phụ tải với gần 3.600 máy biến áp, tổng công suất hơn 1.900MVA và gần 1.500 TBA công cộng thuộc lưới điện hạ áp. Tổng số khách hàng sử dụng điện khoảng 240 nghìn khách hàng, trong đó, hàng chục nghìn khách hàng là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu đăng ký, dự kiến năm 2024, trên địa bàn tỉnh sẽ có một số phụ tải lớn đăng ký mới với tổng công suất trên 83MW, nâng tổng công suất cực đại hệ thống lưới điện toàn tỉnh lên trên 950MW, tăng gần 12% so với năm 2023. Để đảm bảo cung ứng điện hiệu quả, an toàn, ổn định, thông suốt, ngoài việc tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng lưới điện, PC Vĩnh Phúc luôn chú trọng triển khai các giải pháp đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trong đó, tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các hội nghị và nhiều hình thức khác nhau đến đông đảo người dân, khách hàng sử dụng điện về lợi ích, ý nghĩa của việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong thói quen sử dụng điện hằng ngày của người dân, hạn chế tối đa việc sử dụng điện lãng phí vì phát triển bền vững trong tương lai và bảo vệ môi trường.
Đơn vị tập trung triển khai các chiến dịch truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm; tổ chức ký cam kết đến đông đảo khách hàng, nhất là các khách hàng sử dụng điện trọng điểm, đến nay, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã ký cam kết sử dụng điện tiết kiệm với gần 30 nghìn khách hàng sử. Chỉ đạo các phòng, ban, các điện lực trực thuộc thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện tại trụ sở cơ quan đơn vị và mỗi cán bộ, nhân viên người lao động gương mẫu thực hành tiết kiệm điện ở nơi làm việc, cũng như ở gia đình. Chủ động phối hợp, vận động, ký cam kết với khách hàng tham gia thực hiện điều chỉnh và dịch chuyển phụ tải khi cần thiết, nhất là vào các dịp nắng nóng và khung giờ cao điểm sử dụng điện để đảm bảo lưới điện được vận hành ổn định.
Thu Giang
Bình luận