Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ bảy, 18/02/2023 12:02
TMO - Tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch theo Quy chuẩn quốc gia trên 60%. Dự kiến đến năm 2030, có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy định.
Theo Kế hoạch đầu tư, nâng cấp công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đối với công trình cấp nước nông thôn tập trung: Hoàn thành việc khôi phục, duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định 74 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã thực hiện đầu tư các giai đoạn trước với tổng kinh phí dự kiến khoảng 185,110 triệu đồng; cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho khoảng 34,403 hộ (chiếm 18,8% số hộ dân nông thôn).
Thực hiện đầu tư mới 29 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 733,981 triệu đồng từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa 100%, đầu tư đối tác công tư (PPP) và các nguồn vốn hợp pháp khác; cung cấp nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn cho khoảng 57,700 hộ (chiếm 31,6% số hộ dân nông thôn).
Đối với công trình cấp nước nhỏ lẻ, trong giai đoạn này tập trung nâng cấp, cải tạo nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn khoảng trên 10%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 135.964 công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, cấp nước cho khoảng 135.964 hộ. Đến năm 2030, duy trì đảm bảo hoạt động bền vững 103 công trình đã đầu tư, nâng cấp; kêu gọi đầu tư hoàn thành 11 công trình với tổng kinh phí dự kiến khoảng 217.360 triệu đồng; nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư PPP và các nguồn vốn hợp pháp khác; cấp nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn cho khoảng 23.047 hộ (chiếm 12,6% số hộ dân nông thôn).
Tỉnh Phú Yên tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình, hệ thống cấp nước sạch nông thôn (Ảnh minh họa)
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh và UBND cấp huyện sẽ xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện đúng với mục tiêu Kế hoạch đề ra đến năm 2025, tầm nhìn 2030; nhất là ưu tiên bố trí nguồn vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện hoàn thiện việc nâng cấp các công trình trong giai đoạn 2025; chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tuyên tuyền, vận động người dân tham gia đóng góp kinh phí xây dựng và bảo vệ công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp chủ trì nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định việc giao tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn tập trung cho các đơn vị quản lý, khai thác theo quy định của Chính phủ và triển khai thực hiện phương án quản lý, khai thác theo các phương thức như: Bán tài sản theo hình thức đấu giá; cho thuê quyền khai thác; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác.
Trước đó, tại Kế hoạch triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025: Tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Đối với công tác cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Phú Yên chú trọng hỗ trợ xây dựng mô hình cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có. Hỗ trợ xây dựng thí điểm một số mô hình trữ nước sạch hiệu quả, an toàn cho các hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình chưa được tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt tập trung.
Minh Đức
Bình luận