Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ bảy, 22/06/2024 06:06
TMO - Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Tuy nhiên, diện tích đất đang bị thoái hoá, suy kiệt do canh tác quá mức hoặc ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, “sức khỏe” đất đang là vấn đề được nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm. Thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, có tới 95% sản lượng lương thực toàn cầu phụ thuộc vào đất. Tuy nhiên, ước tính một phần ba diện tích đất đai trên thế giới đã bị suy thoái. Các chuyên gia ước tính, xói mòn đất có thể dẫn đến thiệt hại 10% sản lượng cây trồng vào năm 2050.
Ở Việt Nam, 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng theo cả chiều ngang và chiều sâu. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng.
Tình trạng suy thoái đất ngày càng tăng đòi hỏi cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đất. Ảnh: BDV.
Tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên (hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn) và thoái hóa do tác động của con người (thâm canh, tăng vụ hoặc cơ giới hóa đồng ruộng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện).
Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng. trong những năm qua, tình trạng đất trồng trọt ở Việt Nam bị thoái hóa đang có xu hướng gia tăng, hiện có gần 2 triệu ha nghèo dinh dưỡng.
Công bố kết quả điều tra, đánh giá đất trên phạm vi toàn quốc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021 cho thấy, cả nước có 11.838.000ha đất bị thoái hóa, trong đó đất bị thoái hóa nặng là 1.207.000ha, thoái hóa trung bình 3.787.000ha và thoái hóa nhẹ có 6.844.000ha. Đất sản xuất nông nghiệp có 114.000ha đất bị thoái hóa nặng, 1.655.000ha đất thoái hóa trung bình và 3.308.000ha đất bị thoái hóa nhẹ. Thoái hóa đất do suy giảm độ phì nặng là 1.526.000ha đất (vùng trung du và miền núi phía Bắc với 450.000ha, vùng Đông Nam bộ 382.000ha); diện tích đất bị suy giảm độ phì ở mức trung bình có 4.409.000ha và diện tích đất bị suy giảm độ phì nhẹ có 7.482.000ha.
Cục Trồng trọt cho biết, trong nhiều năm qua, công tác quản lý "sức khỏe" của đất phục vụ trồng trọt chưa được quan tâm đúng mức cả. Các nội dung về đánh giá mức độ ô nhiễm, thoái hóa đất, phân hạng đất đai…mới chỉ được các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện để phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đất đai; chưa phản ánh được thực trạng sức khỏe đất nói chung, hay chất lượng đất nói riêng phục vụ mục tiêu canh tác bền vững hay chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, Bình Phước có diện tích canh tác các loại cây lớn như cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn trái. Thực tế thời gian qua cho thấy, với diện tích cao su và điều người dân ít bón phân nên mức độ thoái hoá đất không đáng kể. Tuy nhiên, với diện tích trồng hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả, đất có dấu hiệu chai sạn, cây trồng phát sinh nhiều dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương nêu thực tế, Hải Dương là tỉnh đồng bằng nhưng đang có tình trạng “sa mạc hoá” do đất đai bị suy kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả canh tác nông nghiệp. Cụ thể, trước đây vùng trồng ổi của tỉnh có thể cho thu hoạch từ 5 -7 năm mới phải trồng lại; gần đây vòng đời cây ổi chỉ còn 3 năm, thời gian cho thu hoạch rút ngắn còn 2 năm, trong đó chỉ thu hoạch chính được 1 năm. Qua khảo sát, nghiên cứu, nguyên nhân không phải do sâu bệnh hay giống mà do đất bị chai, thiếu dinh dưỡng.
Hải Dương có 58.000ha đất canh tác lúa, trong đó 40.000 ha chuyên canh lúa, sử dụng phân bón vô cơ, năng suất vẫn cao nhưng sâu bệnh khá nhiều. Ngược lại vùng trồng luân canh lúa và hành tỏi thì đất tốt hơn, năng suất lúa và hành, tỏi đều cao và hầu như không có sâu bệnh. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp trực tiếp tại Hải Dương đã phải chuyển sang sản xuất trong nhà màng, nhà lưới trên nền đất mượn. Việc sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mặc dù cho hiệu quả cao nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài cho ngành trồng trọt.
Các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện việc đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, để bảo vệ đất trồng và nâng cao "sức khỏe" đất, trước hết phải nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và nông dân, doanh nghiệp về sự quan trọng của sức khỏe đất đối với an ninh lương thực và phát triển bền vữngrà soát, xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện các biện pháp cải tạo đất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nhanh hoạt động dịch vụ nông nghiệp.
Đồng thời, có những chính sách khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm “sức khỏe” đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc đánh giá chất lượng đất để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững; thực hiện việc đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các đề tài gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, chuyển đổi số, cho hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ mới thực hiện dựa trên cơ sở khai thác/kế thừa, tận dụng tối đa kết quả của các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế đã và đang triển khai…/
Thu Hương
Bình luận