Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ năm, 10/08/2023 07:08
TMO - Hiện nay, trong bối cảnh cát đang khan hiếm, cầu vượt cung nên việc cung ứng cát cho những công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.
Năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,9 triệu m3 (chưa kể cung ứng cho cao tốc ngoài tỉnh). Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cho gia hạn 14 Giấy phép khai thác khoáng sản (cát) với tổng công suất khai thác gần 1,3 triệu m3 nhưng kết quả khai thác cát thực tế đạt khoảng 1,093 triệu m3 (đạt 85% so với công suất đã được cấp phép).
Số cát này cung ứng cho công trình đầu tư công xây dựng trên địa bàn tỉnh được khoảng 635.843 m3, đạt khoảng 37,5% khối lượng được phân bổ và đạt khoảng 8,28% so với tổng nhu cầu của năm 2023 (khoảng 7,676 triệu m3); khối lượng cát còn lại được cung ứng cho công trình xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,9 triệu m3 (chưa kể cung ứng cho cao tốc ngoài tỉnh).
Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cho gia hạn 13 Giấy phép khai thác khoáng sản (giảm 1 Giấy phép so với đầu năm 2023 do mỏ cát đã hết trữ lượng) với tổng công suất khai thác trong 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 2,628 triệu m3. Trong đó, cát san lấp khoảng 2,333 triệu m3, còn lại là cát xây dựng. Như vậy, với khối lượng cát san lấp như thế chỉ đáp ứng khoảng 30% so với tổng nhu cầu năm 2023 và chỉ đáp ứng khoảng 55,8% so với nhu cầu của các công trình đã được UBND tỉnh chấp thuận ưu tiên cung ứng cát.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đánh giá hiện tại, nhu cầu cung ứng cát cho các công trình trong tỉnh và các tuyến cao tốc của Trung ương tăng đột biến so với nhu cầu của những năm trước, trong khi nguồn khai thác cát có hạn. Ngoài ra, địa phương còn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình rà soát thủ tục các mỏ cát đang khai thác, mỏ cát đang thực hiện thủ tục và mỏ đã tạm ngừng khai thác; còn lúng túng về việc áp dụng cơ chế đặc thù để nâng công suất khai thác cát đảm bảo đúng quy định.
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2023, tổng nhu cầu sử dụng cát san lấp cho công trình đầu tư công theo đề nghị của địa phương và của chủ đầu tư là khoảng 7,676 triệu m3. Trong số đó, nhu cầu của các công trình đã được UBND tỉnh chấp thuận ưu tiên cung ứng cát khoảng 4,183 triệu m3, nhu cầu của các công trình không nằm trong nhóm ưu tiên khoảng 3,493 triệu m3.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh Đồng Tháp là hơn 6.210 tỷ đồng. Đến gần cuối tháng 7/2023, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 3.129 tỷ đồng, đạt 50,38% so với tổng số kế hoạch, cao hơn 19,19% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong giải ngân vốn đầu tư công gặp một số khó khăn, đặc biệt là nguồn cung ứng cát cho các dự án, công trình đang khan hiếm, ảnh hướng đến tiến độ triển khai thực hiện của các dự án.
Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phục vụ xây dựng. Ảnh: HD.
Trước tình hình cầu vượt cung về cát, Sở Xây dựng đề xuất và UBND tỉnh đã chấp thuận dành khoảng 70% khối lượng khai thác cát của 13 Giấy phép để cung ứng cho những công trình sử dụng vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh chấp thuận và 30% còn lại sẽ ưu tiên cho các công trình đầu tư công do địa phương quản lý nhằm giải quyết những khó khăn của địa phương, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh giao các địa phương tổ chức rà soát, đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương lập các dự án nạo vét luồng, lạch, bãi bồi… để bổ sung nguồn cát cung cấp cho công trình. Cùng với đó là giao ngành chức năng khẩn trương đánh giá lại toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu theo số liệu khảo sát. Đồng thời, căn cứ nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn tỉnh để đề xuất UBND tỉnh nâng công suất mỏ hay cấp phép mỏ mới hoặc các khu vực cần nạo vét, chỉnh trị dòng chảy nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cát san lấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lập nhiều dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy đối với các bãi bồi, cồn nổi nhằm hạn chế sạt lở, có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét để phục vụ các công trình sử dụng vốn đầu tư công. Thời gian tới, tỉnh tiến hành nạo vét 4 cồn nổi là cồn Đông Giang, cồn Linh, cồn Long Tả, Long Khánh với tổng khối lượng sản phẩm nạo vét (cát lẫn bùn) dự kiến hơn 5,2 triệu m3.
Về việc điều phối cung ứng cát từ những dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét, UBND tỉnh đã giao Tổ Điều phối cát (thành lập vào 6/2023) xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cho gia hạn thời gian thực hiện dự án nạo vét khu vực neo đậu tàu thuyền Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) với công suất nạo vét trong 12 tháng khoảng 379.200 m3.
Hiện nay, tỉnh cũng đang tiến hành các bước để chuẩn bị thi công Dự án Nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa nhánh sông Tiền (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình), kết hợp thu hồi sản phẩm trên tuyến đường thủy nội địa. Dự kiến dự án này sẽ thi công nạo vét vào tháng 12/2023, quy mô nạo vét gồm 2 đoạn với tổng chiều dài 3.400m, chiều rộng đáy nạo vét 36 m, cao trình nạo vét -5 m.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 2 mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu (tổng trữ lượng dự báo hơn 2 triệu m3) với tổng số tiền gần 194 tỷ đồng. Mỏ cát trên sông Hậu có diện tích 27,28ha, trữ lượng hơn 1,7 triệu m3, thuộc loại khoáng sản cát san lấp. Mỏ cát trên sông Tiền có diện tích 12,19ha, trữ lượng thăm dò khoảng 475.410m3 loại khoáng sản cát san lấp. UBND tỉnh vừa có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 2 mỏ cát trên. Toàn bộ khối lượng khai thác của hai mỏ cát trúng đấu giá chỉ được cung cấp cho các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và giá bán cát do UBND tỉnh này quy định.
Mặc dù, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp tăng cao, địa phương này đang cố gắng cung cấp cát cho công trình Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu và Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh với 6,6 triệu m3 (riêng năm 2023 là 0,7 triệu m3); Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau là 7 triệu m3 (riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3). Tỉnh đã cung cấp cho công trình xây dựng đường Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau được 1,9 triệu m3 cát. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đang rà soát một số mỏ cát để tính toán, cung ứng đủ 5,1 triệu m3 cát còn lại cho cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau theo yêu cầu của Trung ương.
N. An
Bình luận