Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 00:01
Thứ tư, 05/07/2023 07:07
TMO - Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 qua tỉnh Hà Tĩnh dài hơn 102km. Để dự án xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, các cơ quan, đơn vị đang tập trung tháo gỡ khó khăn, chủ động nguồn cung vật liệu cho dự án trọng điểm này.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc- Nam qua địa bàn Hà Tĩnh gồm 3 dự án thành phần, trong đó đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,28km, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54,2km, đoạn Vũng Áng - Bùng (qua Hà Tĩnh) dài 12,9km. Đến nay, Hà Tĩnh đã kiểm đếm giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 100%, áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 93,1% và đã bàn giao mặt bằng đạt 90,78%.Tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB 1.448/2.578,69 tỷ đồng (đạt 56,15%).
Các nhà thầu đã huy động nhân lực, máy móc, thiết bị triển khai thi công các hạng mục hạ tầng của các tuyến cao tốc như: Cầu vượt, trạm dừng nghỉ, tuyến chính cao tốc, đào nền đường, đường công vụ, khoan cọc nhồi thi công cầu... Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng 23 khu tái định cư, 3 nghĩa trang phục vụ di dời các hộ dân và cất bốc các phần mộ. Hiện tại, địa phương đang tích cực triển khai việc di dời hệ thống đường điện và các hạ tầng, công trình kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB dự án... Tuy nhiên, nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công đang thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ.
Các cơ quan, đơn vị đang tập trung tháo gỡ khó khăn, chủ động nguồn cung vật liệu cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc- Nam qua địa bàn Hà Tĩnh.
Để đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch nguồn vật liệu xây dựng (VLXD), gồm nguồn đá xây dựng với 16 khu vực đã được cấp phép; nguồn cát 3 khu vực (2 khu vực đã cấp phép, 1 khu vực chưa cấp phép) và 23 khu vực đất đắp (11 khu vực đã cấp phép, 11 khu vực chưa cấp phép, 1 khu vực đang đề nghị bổ sung Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030).
Theo đánh giá của ngành chức năng hiện nay, nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam qua Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn. Riêng các đoạn tuyến cao tốc thành phần giai đoạn II 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh hiện chỉ có 4 mỏ các nhà thầu đã ký hợp đồng mua đất san lấp phục vụ dự án. Tuy nhiên, do khối lượng đất khai thác đang trong giới hạn công suất, nên ngành TN&MT địa phương chưa đề xuất nâng công suất khai thác theo cơ chế đặc thù. Ngoài ra, có 10 mỏ vật liệu xây dựng thông thường đang được nhà thầu thi công trình hồ sơ đăng ký khai thác (8 mỏ đất san lấp và 2 mỏ cát lòng sông).
Số lượng mỏ vật liệu xây dựng thông thường nhà thầu thi công trình hồ sơ đăng ký khai thác là 10 mỏ (8 mỏ đất san lấp và 2 mỏ cát lòng sông). Hà Tĩnh hiện đã xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác 4 mỏ đất san lấp. Trong đó, 4 mỏ VLXD này gồm 2 mỏ đất san lấp ở núi Động Mòi, xã Cẩm Lạc và núi Đồng Chiêng, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên của DNTN xây dựng Xuân Trường; 2 mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 2, Lưu Vĩnh Sơn 3, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc phòng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư và kết quả khảo sát thực tế, các khu vực mỏ có một số khó khăn, vướng mắc, như: công suất khai thác thấp, báo giá cao hơn giá Sở Xây dựng công bố, khó khăn về đường vận chuyển, một số mỏ đã hoàn thành đấu giá nhưng đến nay chưa được cấp phép khai thác nên chưa có cơ sở để hợp đồng mua, bán; các mỏ cát có trữ lượng, công suất thấp; các bãi tập kết cát không cam kết cung cấp đầy đủ hóa đơn, báo giá cao hơn giá Sở Xây dựng công bố, khả năng cung cấp không đều, cự ly vận chuyển xa.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp, hỗ trợ các mỏ vật liệu đã cấp phép tính toán phương án nâng công suất khai thác, đáp ứng nhu cầu các dự án (Ảnh minh họa).
Trước thực tế này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ các đơn vị trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, bồi thường cây cối, hoa màu đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công, đảm bảo tiến độ các dự án theo hướng, ban hành mức giá vật liệu xây dựng phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; phối hợp, hỗ trợ các mỏ vật liệu đã cấp phép tính toán phương án nâng công suất khai thác, đáp ứng nhu cầu các dự án. Đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định; phối hợp, hỗ trợ các mỏ VLXD đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn tính toán phương án nâng công suất khai thác, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
Quá trình vận chuyển nguồn VLXD thi công dự án sẽ ảnh hưởng tới hệ thống đường giao thông của địa phương, vậy nên, ngay khi hoàn thành công trình, nhà thầu phải nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các hư hỏng với phương châm tối thiểu là bằng, thậm chí phải tốt hơn so với trước, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Các nhà thầu trên cơ sở mặt bằng nhận bàn giao, cần phải tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa nhân lực nhân lực, máy móc “chia 3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Ban quản lý dự án cần đốc thúc, kiểm tra, giám sát việc thi công. Đơn vị nào nhiều lần không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, cần tính toán tới phương án thay thế nhà thầu yếu kém.
Để đảm bảo tiến độ các dự án cao tốc Bắc Nam qua Hà Tĩnh, miền Trung, trước đó, trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư cho người dân theo phương châm “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”; nhất là tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xử lý, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, để có mặt bằng thi công ngay, đảm bảo tiến độ theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành công điện về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm các cơ chế đặc thù, đặc biệt, cho phép rút ngắn thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác; đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án cao tốc đi qua và có mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ dự án cần khẩn trương kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện những thủ tục liên quan đến công tác khai thác mỏ mới và nâng công suất các mỏ vật liệu xây dựng thông thường.
Thủ tướng giao Bộ GTVT thành lập tổ công tác là thành viên các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh Hà Tĩnh. Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của chủ đầu tư, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương, đơn vị liên quan, những khó khăn, vướng mắc trong cung ứng vật liệu xây dựng đang từng bước được tháo gỡ kịp thời, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ dự án.
Vũ Hà
Bình luận