Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ tư, 14/06/2023 12:06
TMO - Tỉnh Lào Cai đang triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước của người dân, doanh nghiệp. Các ngành chức năng thực hiện tốt phương án phát triển mạng lưới thủy lợi và cấp nước nông thôn trong quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Lào Cai có tài nguyên nước mặt phong phú với lượng dòng chảy mặt hàng năm khá lớn, vào khoảng 9,5 tỷ m3 do có hệ thống sông suối dày đặc được phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh với 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Chảy. Ngoài 2 con sông lớn, trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn sông, suối lớn nhỏ (trong đó có 107 sông, suối dài từ 10km trở lên). Đây là điều kiện thuận lợi cho Lào Cai có được nguồn nước mặt cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt, giao thông thủy (trên những sông lớn) và phát triển các công trình thuỷ điện. Đối với tài nguyên nước dưới đất: Nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh được khảo sát, đánh giá có trữ lượng khoảng 30 triệu m3 (trong đó trữ lượng động là 4,448 triệu m3 ) với chất lượng nước ngầm khá tốt, đáp ứng được nhu cầu sử dụng khoảng 5,35 triệu m3 /ngày đêm.
Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu giấy phép tài nguyên nước dùng chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 212 giấy phép tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân.Trong đó, giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là 111 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, trong đó có 74 giấy phép còn hiệu lực, 37 giấy phép đã hết hiệu lực. Giấy phép do UBND tỉnh Lào Cai cấp có 121 giấy phép, bao gồm 101 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, trong đó 63 giấy phép còn hiệu lực, 38 giấy phép hết hiệu lực; 20 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, trong đó 06 giấy phép còn hiệu lực.
Quản lý nguồn nước mặt nội tỉnh trước nguy cơ ô nhiễm là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Lào Cai đẩy mạnh triển khai.
Đối với các đơn vị do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thì 100% đơn vị đã thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước, truyền dữ liệu tự động, liên tục về Cục quản lý Tài nguyên nước theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đối với các đơn vị do UBND tỉnh Lào Cai cấp phép thì hiện nay tỉnh Lào Cai chưa bố trí được nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống tiếp nhận, lưu trữ dữ liệu giám sát khai thác tài nguyên nước. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025 năm 2023, trong đó đã phê duyệt nhiệm vụ xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước của tỉnh Lào Cai, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Tỉnh Lào Cai xác định thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Trên mỗi vùng cấp nước của tỉnh Lào Cai, thực hiện phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước cho các mục đích theo thứ tự ưu tiên như sau: Đảm bảo đủ nước sử dụng cho mục đích mục đích y tế, bao gồm cấp nước cho các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế; Đảm bảo đủ nước cho mục đích sinh hoạt dân sinh ở cả khu dân cư đô thị và cụm, điểm dân cư nông thôn; Đảm bảo đủ nước cho mục đích giáo dục gồm các trường phổ thông các cấp, trường đại học, trường đào tạo nghề cả về số lượng và chất lượng.
Đảm bảo cấp nước cho sản xuất công nghiệp, ưu tiên cấp nước cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; Cấp nước cho các cơ sở thương mại, dịch vụ, khu du lịch - dịch vụ; Cấp nước cho nông nghiệp theo thứ tự ưu tiên cấp nước cho các mục đích sử dụng trong ngành nông nghiệp như sau: cấp nước cho chăn nuôi, cấp nước cho trồng cây lương thực, rau màu, cấp nước cho thủy sản, cấp nước cho diện tích cây ăn quả; Đảm bảo yêu cầu nước cho thủy điện phát điện.
Trên mỗi phân vùng chức năng nguồn nước, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện xây dựng phương án dự phòng cấp nước sinh hoạt cho từng thôn, bản, ưu tiên thực hiện tại các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương. Mỗi công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương xây dựng ít nhất 1 phương án dự phòng cấp nước trong điều kiện nguồn nước thông thường bị thiếu hụt/cạn kiệt/ô nhiễm.
Nguồn nước dự phòng cấp nước sinh hoạt tại mỗi phân vùng cấp nước được xác định trên cơ sở kịch bản xảy ra hạn kéo dài làm giảm đến 80% lưu lượng dòng chảy mặt so với lưu lượng mùa khô trung bình nhiều năm. Trong kịch bản như vậy, thực hiện phương án như sau: Trong tình huống xảy ra tình trạng thiếu nước/nguồn nước bị ô nhiễm gây thiếu hụt nguồn cung cấp nước sạch, UBND cấp huyện phát hiện, kiến nghị UBND tỉnh thành lập Tổ công tác khẩn cấp về nước.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, thủy điện, đảm bảo nguồn nước đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hệ thống các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước được xác định bao gồm: các thủy điện; hồ thủy lợi, các đập tràn; hệ thống thủy lợi; các công trình cấp nước đô thị, công trình cấp nước ở khu vực nông thôn, công trình cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu, KCN, CCN. Trong đó: Các công trình thủy điện được xác định trong Phương án phát triển mạng lưới điện Các công trình hồ, đập thủy lợi, đập tràn, hệ thống mương, van thủy lợi được xác định trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, mục kết cấu hạ tầng thủy lợi. Công trình cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp được xác định trong Phương án phát triển kết cấu hạ tầng cấp nước. Các dự án trồng và bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đồng thời có tác dụng bảo vệ các nguồn nước tự nhiên, nguồn nước thô được xác định trong Phương án phát triển lâm nghiệp.
Cùng với việc điều tiết, phân bổ nguồn nước Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giám sát tài nguyên nước. Trong đó, giám sát nước mặt: Đến năm 2030, tổng số điểm quan trắc môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt ít nhất 80 điểm. Điểm quan trắc môi trường tập trung ở dọc các tuyến sông, gần các điểm xả thải của một số KCN, CCN, công ty, nhà máy sản xuất, nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi từ các trang trại và nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, một số hồ lớn một số điểm ao, hồ, kênh, ngòi trong khu dân cư,... thuộc 10 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tầm nhìn đến năm 2050: Tăng dày số điểm quan trắc môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh lên trên 120 điểm, tần suất quan trắc 1 tháng/lần sử dụng thiết bị lấy mẫu tự động đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thông số quan trắc đạt ít nhất 80% số chỉ tiêu theo Quy chuẩn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt quốc gia hiện hành.
Đối với nhiệm vụ giám sát nước dưới đất, tỉnh tăng dần số điểm quan trắc môi trường nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời kỳ 2021 - 2030 để đến năm 2030 số điểm quan trắc hàng năm ít nhất 40 điểm. Phân bố các điểm quan trắc nước dưới đất đảm bảo tính đại diện cho các khu nước dưới đất, tập trung phản ánh tình hình nước dưới đất bám sát các mục đích sử dụng nước dưới đất khác nhau như: ở các khu dân cư KCN, CCN, làng nghề, nhà máy; phản ánh chất lược nước dưới đất khu vực gần bãi chôn lấp rác thải, giáp nguồn thải bệnh viện.
Tầm nhìn đến năm 2050: Tăng dày số điểm quan trắc môi trường nước dưới đất trên địa bàn tỉnh lên trên 50 điểm, tần suất quan trắc tối thiểu 6 lần/năm. Các điểm quan trắc cố định lấy mẫu nước ngầm tự động đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thông số quan trắc đạt ít nhất 70% số chỉ tiêu theo Quy chuẩn đánh giá chất lượng môi trường nước dưới đất quốc gia hiện hành. Thông số tối thiểu.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã tham mưu UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Danh mục nguồn nước nội tỉnh, danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh;...
Thu Hồng
Bình luận